Nhìn lại Avalanche của năm 2022: Subnet không hiệu quả, Avalanche khó giữ chân người dùng

Nhìn lại Avalanche của năm 2022: Subnet không hiệu quả, Avalanche khó giữ chân người dùng

Những biến cố gần đây liên quan đến FTX và Alameda Research khiến cho Solana – một hệ sinh thái từng được đặt rất nhiều kỳ vọng gặp phải thiệt hại nặng nề. Đây có thể là cơ hội cho những đối thủ như Avalanche vượt lên. Trong năm 2022, Avalanche đã làm được những gì và liệu rằng có cơ hội nào để bùng nổ không? Anh em cùng mình tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Nhìn lại Avalanche của năm 2022: Subnet không hiệu quả, Avalanche khó giữ chân người dùng

Tổng quan về hệ sinh thái Avalanche

Về dự án

Hiện tại, trên Avalanche đang có khoảng hơn 478 dự án đang hoạt động, trong đó có một số cái tên nổi bật như AAVE, Trader Joe, BenQi, 1inch… 

Nguồn: Avax-projects.com (01/12/2022)

Các dự án trên hệ sinh thái Avalanche gần như không tăng so với thời gian trước, tuy nhiên vẫn đảm bảo đầy đủ các mảnh ghép quan trọng như DeFi, NFT, GameFi, DAO…

Trong năm 2022, Avalanche đã xây dựng và ra mắt Core – một sản phẩm ví crypto theo dạng All-in-One dành cho người dùng Web 3 của Avalanche. Core không chỉ là một ví phi tập trung mà còn cho phép người dùng tối ưu các trải nghiệm trên Avalanche và Subnet thông qua các chức năng đa dạng như Bridge, Swap, Payment (Thanh toán qua thẻ), lưu trữ NFT, hỗ trợ subnet…  Đây có thể xem là sản phẩm mà Avalanche xây dựng để hỗ trợ cho sự phát triển của Subnet trong tương lai.

Về dòng tiền

Tổng tài sản khoá (TVL) trên giao thức Avalanche – Nguồn: DeFiLlama (01/12/2022)

Tính từ thời điểm đạt ATH vào cuối năm 2021, TVL trên Avalanche đã giảm đến 93% (từ 12,2 tỷ USD hiện chỉ còn 834 triệu usd). Nếu như lấy mốc từ đầu năm 2022, con số này là 91,7% (giảm từ 9.97 tỷ USD hiện chỉ còn 834 triệu USD). Có thể nói dòng tiền đã rút ra gần như toàn bộ khỏi hệ sinh thái này.

Đi sâu hơn vào hệ sinh thái của Avalanche, anh em thấy trong hơn 830 triệu USD TVL trên Avalanche thì AAVE chiếm khoảng 39,37%, tương đương với TVL khoảng hơn 328 triệu USD, các dự án tiếp theo lần lượt là BenQi với 180 triệu USD, Trader Joe với hơn 91 triệu USD.  Đây có thể xem là 3 dự án giữ vai trò và vị trí quan trọng nhất trên hệ sinh thái của Avalanche thời điểm hiện tại.

Về người dùng

Biểu đồ số lượng tài khoản mới trên Avalanche – Nguồn: SnowTrace (01/12/2022)

Anh em có thể thấy, số lượng tài khoản hoạt động trên Avalanche đã giảm mạnh một cách rõ rệt kể từ tháng 5/2022. Theo quan điểm cá nhân của mình, điều này đến chủ yếu từ 2 nguyên nhân:

  • Bản thân Avalanche và các dự án trên đó không có những cập nhật đủ để giữ chân người dùng.
  • Chịu ảnh hưởng từ việc thị trường sụt giảm mạnh trong thời gian qua => không có nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Biểu đồ về số transaction/ngày của Avalanche – Nguồn: SnowTrace (01/12/2022)

Kể từ sau 05/2022, cùng với việc thị trường giảm mạnh, số lượng giao dịch trên Avalanche cũng sụt giảm nghiêm trọng. Trong khoảng 3 tháng gần đây, số lượng giao dịch hàng ngày trên Avalanche đã thôi sụt giảm, nhưng cũng chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực.

Phân tích về những mảnh ghép trên Avalanche

DeFi

DEX

Trước đây, Trader Joe từng là một AMM rất “sôi động” khi đạt TVL lên đến hơn 2 tỷ USD, nhưng hiện chỉ còn hơn 91 triệu USD. Mặc dù đã có những cố gắng cải thiện sản phẩm, trong đó đáng chú ý là việc phác thảo và xây dựng sổ thanh khoản (LB) để giảm hiểu Impermanent Loss, tuy nhiên, Trader Joe vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc giữ chân dòng tiền và người dùng.

Lending

Là một dự án Lending kết hợp với Liquidity Staking, BenQi hiện tại cũng đang gặp nhiều khó khăn. Xét về hiệu quả hoạt động, với tổng số vốn sẵn có là hơn 131 triệu USD, hiện tại BenQi chỉ đang cho vay được hơn 32 triệu USD, tức sử dụng được khoảng 24% vốn. Đây là một hiệu suất rất thấp. Trên thực tế, các pool thanh khoản trên BenQi cũng phản ánh điều này với lợi suất APY ở mức âm.

Hoạt động cho vay trên BenQi đang kém hiệu quả – Nguồn: BenQi (01/12/2022)

Theo số liệu thống kê, stablecoin như USDC, USDT và DAI.e vẫn là tài sản được vay nhiều nhất. Đối với các loại tài sản có tính biến động, AVAX và sAVAX (wrap token của AVAX khi anh em tham gia liquid staking) đang là tài sản được vay nhiều nhất với khoảng 6 triệu USD và 4 triệu USD. 

Tương quan kết cấu tài sản cho vay và tài sản vay trên BenQi – Nguồn: BenQi (01/11/2022)

Liquid Staking

BenQi bên cạnh việc là giải pháp lending thì cũng đóng vai trò là dự án Liquid Staking lớn nhất trên Avalanche.

Tổng số AVAX đang được staking – Nguồn: BenQi (01/12/2022)

Theo dữ liệu trên BenQi, tổng số AVAX đang lưu hành là khoảng 415,5 triệu token, trong đó lượng AVAX được staking trên P-Chain là 310 triệu token, chiếm tỷ lệ khoảng 74,6%; lượng AVAX được staking thông qua giải pháp liquid staking của BenQi là gần 5 triệu token, chiếm khoảng 1,2% lưu hành. Vốn hoá của sAVAX đang ở mức gần 59 triệu USD.

Từ số liệu nói trên, anh em có thể thấy giải pháp liquid staking của BenQi vẫn chưa thực sự thu hút người dùng và các tổ chức lớn. Đa phần các tổ chức, người dùng muốn staking vẫn lựa chọn staking trực tiếp trên P-Chain thay vì thông qua BenQi Liquid Staking. Điều này đến từ một số nguyên nhân như sau

  1. Sau những sự cố liên quan đến stETH, nhà đầu tư còn nhiều e ngại khi sử dụng các sản phẩm liquid staking, nhất là khi sAVAX vốn hoá còn rất nhỏ và dễ bị tấn công.
  2. Các lợi ích yield farming từ sAVAX không đủ hấp dẫn để người dùng chuyển đổi từ staking P-chain sang BenQi Liquid Staking.

GameFi & Subnet

Sở dĩ mình gộp hai phần này vào một bởi vì hiện tại Avalanche chỉ mới có 3 subnet đang xây dựng và phát triển, trong đó có 2 subnet dành cho GameFi là DeFi Kingdom (DFK) và Swimmer Network, một subnet dành cho DEX là Dexalot (có khá ít giao dịch so với hai subnet trên).

DeFi Kingdom & DFK 

DeFi Kingdom là một tựa game nhập vai cross-chain với đồ hoạ đẹp mắt, kết hợp giữa game truyền thống với token hoá (token hoá tài sản và các hero dưới dạng NFT). Token JEWEL của DeFi Kingdom cũng từng rất “hot” vào thời điểm trend gamefi bùng nổ.

Hiện DeFi Kingdom đã chính thức chuyển sang xây dựng trên Subnet với tên gọi là DFK. Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích thử hoạt động của subnet này:

Biểu đồ thể hiện số lượng active wallet & transaction mỗi ngày trên DFK – Nguồn: avax.network (01/12/2022)

Sau gần 9 tháng hoạt động, anh em có thể thấy số lượng active wallet và transaction trên DFK Subnet đã khá ổn định từ tháng 09/2022 đến nay. Đây là một dấu hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường crypto nói chung và gamefi nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu ghi nhận trên subnet.avax.network, số lượng giao dịch trên DFK tính đến thời điểm 01/12/2022 là 230,9 triệu transaction. Hiện DFK subnet đang có 8 validator hoạt động để đảm bảo sự vận hành của subnet. Con số này còn khá thấp, thể hiện tính phi tập trung còn hạn chế, đây cũng là nhược điểm chung của các subnet khác trên Avalanche.

Crabada – Swimmer Network Subnet

Đây là subnet được phát triển riêng dành cho tựa game Crabada – một tựa game từng cực kỳ nổi tiếng trên Avalanche. Hoạt động theo mô hình tương tự như Axie Infinity trên Ethereum, Crabada đã mang về rất nhiều lợi nhuận cho những người hold token hoặc NFT trong game từ sớm. Hiện tại, tựa game cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu vắng người chơi mới, giá các NFT cũng sụt về đáy và không còn nhiều khả năng tạo ra lợi nhuận.

Theo dữ liệu trên website https://explorer.swimmer.network/ , hiện Swimmer Network đã tạo ra được hơn 30,6 triệu giao dịch. Swimmer Network cũng chỉ có 9 validator, tương tự như DFK.

Có thể nói, GameFi trên Avalanche đã bị chững lại, tuy nhiên vẫn có một số lượng người chơi nhất định để duy trì. Điều này thể hiện qua việc số lượng transaction của DFK Chain và Swimmer Network vẫn đang ổn định. Tuy nhiên, giai đoạn này chúng ta sẽ khó tìm thấy một dự án mới và bùng nổ.

NFT

NFT là mảng khá nhạt nhoà trên Avalanche nếu so với các đối thủ khác như Ethereum, Near hay Solana. Mặc dù vẫn có một số bộ sưu tập giá trị nhưng tỷ lệ khá ít. Theo đánh giá cá nhân của mình, chất lượng chung của các bộ sưu tập NFT trên Avalanche là không cao.

Một số bộ sưu tập NFT nổi bật trên Avalanche – Nguồn: Kaleo

Để có cái nhìn tổng quan hơn, anh em hãy cùng mình phân tích một số chỉ số liên quan đến NFT:

Biểu đồ Daily volume & Daily sales của NFT trên Avalanche – Nguồn: avaxnftstats.com (01/12/2022)

Anh em có thể thấy những tháng gần đây volume giao dịch NFT và số lượng mở bán đã tụt “thê thảm” so với thời điểm cuối 2021 và đầu 2022. Theo số liệu hiện tại, trung bình volume giao dịch NFT mỗi ngày trên Avalanche rơi vào khoảng 30.000 – 50.000 USD/ngày. Bên cạnh đó, trên Swimmer Network (Subnet) cũng có một số giao dịch nhưng khối lượng trung bình chỉ khoảng … 50-100 USD/ngày.

Biểu đồ Daily Active NFT Users & Daily NFT Transactions – Nguồn: avaxnftstats.com (01/12/2022)

Một trong những điểm sáng chính là việc users và transactions liên quan đến NFT mặc dù có sự suy giảm nhưng không quá nhiều. Nếu anh em để ý, số lượng transactions đã dịch chuyển dần từ C-Chain sang các Subnet như DFK và Swimmer Network.

Stablecoin

Tổng quan về stablecoin trên Avalanche – Nguồn: DeFiLlama (01/12/2022)

Anh em có thể thấy dòng tiền đã bị rút ra rất mạnh vào thời điểm tháng 05/2022 và tháng 07/2022. Hiện dòng tiền trên Avalanche vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. 

USDC vẫn là stablecoin có vốn hoá lớn nhất với 58,29% thị phần, theo sau đó lần lượt là USDT (Tether) và DAI.

Avalanche Bridge

Hoạt động của Avalanche Bridge kể từ tháng 09/2022 đến 01/12/2022 – Nguồn: DeFiLama

Việc theo dõi hoạt động của Avalanche Bridge là một trong những điều anh em nên làm để biết được dòng tiền đang đi đâu. Là cầu nối giữa Avalanche và Ethereum, Avalanche Bridge có ý nghĩa quan trọng trong việc luân chuyển dòng tiền giữa hai hệ sinh thái này.

Anh em có thể thấy kể từ tháng 09/2022 đến nay, dòng tiền chủ yếu là rút ra khỏi Avalanche. Theo số liệu ngày 01/12/2022, số tiền rút ra khỏi Avalanche là 6,6 triệu USD, trong khi đó số tiền nạp vào chỉ là 1,4 triệu USD. Đây là dấu hiệu minh chứng rõ nhất cho sự kém hấp dẫn và hiệu quả của Avalanche hiện tại.

Tạm kết

Từ những phân tích nói trên, chúng ta có thể rút ra một số kết luận sau:

(1) Avalanche có khá ít cập nhật đáng kể trong thời gian qua. Team hầu như chỉ ra mắt được một sản phẩm là Core – ví all-in-one Web-3 và phát triển Subnet. Cả 2 sản phẩm này mặc dù ra mắt được một thời gian nhưng đều chưa thực sự hiệu quả và tạo ra chuyển biến lớn cho hệ sinh thái.

(2) Subnet vẫn là một mảnh đất tốt khi các dự án GameFi vẫn có thể phát triển và hoạt động ổn định. Đây sẽ là “key” mà Avalanche có thể sử dụng để thu hút thêm nhiều dự án chất lượng trong thời gian tới.

(3) Các dự án native project như Trader Joe, BenQi đang kém hiệu quả và không thực sự có bước đi nào hiệu quả để giữ chân người dùng.

(4) Dòng tiền vẫn chưa quay trở lại với hệ sinh thái. Tuy nhiên, tỷ lệ staking AVAX vẫn ở mức cao góp phần giúp Avalanche vẫn hoạt động ổn định.

Ý kiến của anh em về hệ sinh thái Avalanche như thế nào? Để lại comment thảo luận cùng tụi mình nhé! Hẹn gặp lại anh em trong các bài viết tiếp theo.

Poseidon

Xem thêm các bài viết khác của tác giả Poseidon:

TUYÊN BỐ TỪ CHỐI TRÁCH NHIỆM: Các quan điểm và ý kiến ​​được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và không cấu thành lời khuyên về đầu tư. Tiền điện tử có rủi ro cao, hãy cẩn trọng trong giao dịch.

Exit mobile version