Ngân hàng Nhà nước được giao nghiên cứu về tiền kỹ thuật số quốc gia

Ngân hàng Nhà nước được giao nghiên cứu về tiền kỹ thuật số quốc gia

Ngân hàng Nhà nước được giao nghiên cứu về tiền kỹ thuật số quốc gia

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế tiền kỹ thuật số quốc gia.

Đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia

Quyết định 1813 vừa được Chính phủ ban hành. Đó là Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nội dung quan trọng là nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.

Tại Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước cũng được giao nhiệm vụ, trong năm 2022, đơn vị này phải hoàn thành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Việc này nhằm quản lý, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và triển khai các mô hình hợp tác, kinh doanh mới trong cung ứng dịch vụ thanh toán.

Trong năm nay, Thủ tướng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng quy định về định danh và xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo đó, Bộ Công an có trách nhiệm quy định, hướng dẫn kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử.

Ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Thủ tướng giao nghiên cứu, triển khai từng bước hoạt động đại lý thanh toán, các tổ chức không phải ngân hàng được phép triển khai hoạt động đại lý thanh toán, nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Ở khu vực này, Thủ tướng cũng ủng hộ việc tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí để mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, gắn với việc triển khai dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile – Money).

Về dịch vụ Mobile – Money, Thủ tướng cho rằng, cần đánh giá và đề xuất xử lý phù hợp.

Đề án này hướng đến mục tiêu đến cuối năm 2025 là giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%.

Trong 5 năm tới, 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử cũng đạt 40%…

Nhìn ra thế giới

Được biết, ở Việt Nam hiện chưa có khái niệm chính thức về “tiền kỹ thuật số quốc gia”. Tuy nhiên, trên thế giới, nhiều quốc gia đã nghiên cứu và một số đang thử nghiệm phiên bản tiền điện tử của tiền pháp định. Đồng tiền này do ngân hàng trung ương phát hành.

Nhiều quốc gia đang thúc đẩy việc phát hành tiền kỹ thuật số. Mục đích nhằm giảm dùng tiền mặt trong bối cảnh dịch COVID-19. Ngoài ra, việc sử dụng tiền điện tử còn để tránh tiền giả, nguy cơ rửa tiền. Thậm chí, nó còn để xác định vị thế của ngân hàng trung ương trong cuộc chạy đua số.

Trung Quốc là quốc gia thể hiện tham vọng hàng đầu trong cuộc đua tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương.

Theo đó, Trung Quốc đã thử nghiệm tiền kỹ thuật số nhân dân tệ ở Bắc Kinh và Thâm Quyến. Đồng tiền này sử dụng để mua vé tàu điện ngầm, mua sắm trực tuyến. Sắp tới, Trung Quốc dự kiến cho phép người nước ngoài mở ví kỹ thuật số và tham gia thử nghiệm tại Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh.

Không riêng gì Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, UAE… là một số quốc gia châu Á cũng ủng hộ tích cực, đồng thời đang nghiên cứu, phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia.

Vào năm 2020, CBB – ngân hàng trung ương Bahamas của Bahamas thông báo triển khai tiền số Sand Dollar trên toàn quốc.

Đây là lần đầu tiên một quốc gia, cũng là một quần đảo với vỏn vẹn 390.000 dân ở vùng Caribean, Trung Mỹ triển khai một công nghệ được cho là có thể làm khuynh đảo ngành ngân hàng thương mại. Thậm chí, nó được đánh giá có khả năng làm lung lay vị thế của đồng USD với tư cách đồng tiền của thế giới trên thực tế.

Sand Dollar là phiên bản số hóa của đồng đô la Bahamas truyền thống. Tỷ giá neo của nó theo đồng USD.

Giống như nhiều quốc gia, Ngân hàng trung ương Thụy Điển cũng đang chạy một dự án thử nghiệm với Công ty tư vấn quốc tế Accenture Plc. Theo đó, đưa vào giới thiệu đồng Krona điện tử dựa trên cùng một công nghệ blockchain.

Thực tế, tiền kỹ thuật số đang trở thành trào lưu của các ngân hàng Trung ương các nước. Christine Lagarde – Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu nhấn mạnh, tiền quốc gia kỹ thuật số sẽ trở thành một xu thế.

Hiện nay, bitcoin (BTC) cũng là một đồng tiền điện tử đang được nhiều người sử dụng. Hiểu đơn giản, nó là một loại tiền điện tử, phát hành thông qua phần mềm mã nguồn mở, hiện đang có giá trị cao nhất thế giới.

Thế nhưng, bitcoin lại không bị kiểm soát bởi chính phủ hoặc ngân hàng trung ương. Điều đặc biệt, nó hoạt động trong hệ thống phi tập trung ngang hàng nên thậm chí, không ai có quyền kiểm soát với bitcoin.

Nhưng, việc tiền quốc gia kỹ thuật số trở thành xu thế trên thế giới nên mới đây, ông Boston Eric Rosengren – Chủ tịch FED cho rằng, ông không thể thấy tương lai lâu dài cho Bitcoin trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đang có kế hoạch ra mắt những đồng tiền điện tử riêng.

Ông cho hay, không rõ lý do gì để mọi người tiếp tục dùng bitcoin, trừ những nền kinh tế ngầm. Bởi vậy, giá bitcoin có thể sẽ phải chịu áp lực lớn hơn sau này.

Cát Anh

Exit mobile version