Thị trường hồi phục tuần thứ hai liên tiếp sau chuỗi sáu tuần giảm liên tiếp trước đó trước thanh khoản vẫn ở mức thấp. VN-Index chốt phiên giao dịch cuối tuần (27/5) ở mức 1.285,45 điểm, tương ứng tăng 44,74 điểm (3,61%) so với tuần trước đó, tương tự, HNX-Index tăng 4,15 điểm (1,35%) lên 311,17 điểm, UPCoM-Index tăng 1,18 điểm (1,25%) lên 95,29 điểm.
Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 17.310 tỷ đồng/phiên, tăng 8% so với tuần trước đó, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 8,4% và đạt 16.050 tỷ đồng/phiên.
Nhiều nhóm ngành cổ phiếu biến động tích cực trong tuần giao dịch 23-27/5. Trong top 30 vốn hóa toàn thị trường chỉ có 5 mã giảm giá là HPG của Hòa Phát (HoSE: HPG) giảm 5,8%, BCM của Becamex IDC (HoSE: BCM) giảm 3,3%, MCH của Masan Consumer (UPCoM: MCH) giảm 2,2%, SAB của Sabeco (HoSE: SAB) giảm 1,6% và SSH của SeABank (HoSE: SSB) giảm 0,72%.
Đối với HPG, cổ phiếu này lao dốc sau những thông tin không mấy tích được Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đưa ra hôm ĐHĐCĐ cổ đông thường niên diễn hôm 24/5. Trước nhiều ý kiến cho rằng công ty đặt kế hoạch lợi nhuận thấp, ông Long cho rằng các cổ đông sẽ thấy được những khó khăn của ngành thép sau kết quả kinh doanh quý II, quý III và cả năm “thê thảm” nên ban lãnh đạo công ty phải đặt ra mục tiêu thận trọng. Kế hoạch năm nay được đánh giá là thách thức.
Ở chiểu ngược lại, FPT của CTCP FPT (HoSE: FPT) tăng mạnh nhất trong top 30 vốn hóa với 14,67%. Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đã chấp thuận cho FPT niêm yết bổ sung hơn 6,6 triệu cổ phiếu từ ngày 30/5, nâng tổng lượng chứng khoán niêm yết từ 907,6 triệu lên 914,2 triệu cổ phiếu. Đây là lượng cổ phiếu ESOP công ty phát hành trong hai năm 2021-2022. FPT luôn kín room ngoại – tức là sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài luôn ở mức tối đa cho phép – 49%. Vì vậy, tại các phiên niêm yết bổ sung cổ phiếu ESOP – do phát hành cho cán bộ công nhân viên – thường là cá nhân trong nước, dẫn tới hở room ngoại.
MWG của Đầu tư Thế giới di động (HoSE: MWG) cũng tăng 9,5%. ACB của Ngân hàng Á Châu (HoSE: ACB) và VRE của Vincom Retail (HoSE: VRE) tăng lần lượt 9,5% và 9%.
Tăng giá
Tâm điểm của thị trường trong tuần qua tập trung vào hai nhóm cổ phiếu là thủy sản và bán lẻ. Tại sàn HoSE, ANV của Thủy sản Nam Việt (HoSE: ANV) tăng mạnh nhất với 24,4%. Các mã thủy sản khác cũng nằm trong top 10 tăng giá sàn này có IDI của Đầu tư và PT Đa Quốc Gia ( HoSE: IDI ), ACL của Thủy sản CL An Giang (HoSE: ACL) với mức tăng lần lượt 21,4% và 17%.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.
Ở nhóm bán lẻ, FRT của FPT Retail (HoSE: FRT) tăng 22,4% chỉ sau một tuần giao dịch. DGW của Digiworld (HoSE: DGW) và PET của Petrosetco (HoSE: PET) tăng lần lượt 17,6% và 16,4%. Ngoài ra cũng phải kể đến đà tăng của cổ phiếu PNJ của Vàng Phú Nhuận (HoSE: PNJ) với 15,4%.
Tại sàn HNX, cổ phiếu HEV của Sách Đại học – Dạy nghề (HNX: HEV) tăng giá mạnh nhất với gần 28%. Tuy nhiên, cổ phiếu này nằm trong diện thanh khoản rất thấp với tổng khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ là 60 đơn vị/phiên.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.
Trong danh sách 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HNX có 3 mã thanh khoản tốt là MAC của MASERCO (HNX: MAC) tăng 23,3%, AMV của Dược-TB Y tế Việt Mỹ (HNX: AMV) tăng 20,2% và TAR của Nông nghiệp CN cao Trung An (HNX: TAR) tăng 15%.
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường thuộc về E12 của XD Điện VNECO 12 (UPCoM: E12) với gần 91% từ 6.231 đồng/cp lên 11.894 đồng/cp. Tuy nhiên, E12 là cổ phiếu thuộc diện thanh khoản rất thấp. Trong tuần qua, E12 đã có cả 5 phiên tăng trần liên tiếp. Tuy nhiên trước đó, cổ phiếu này cũng có khoảng thời gian lao dốc mạnh. Theo giải trình mới đây về việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ 16/5 đến 20/5, công ty cho biết việc này do ảnh hưởng của thị trường chứng khoán trong nước, đa số các cổ phiếu giảm mạnh. Bên cạnh đó, doanh thu và lợi nhuận quý I thấp không đạt kế hoạch.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.
Đa số các cổ phiếu tăng giá mạnh sàn UPCoM đều có thanh khoản rất thấp. “Tân binh” sàn UPCoM là FTM của Phát triển Đức Quân (UPCoM: FTM) lọt vào danh sách tăng mạnh nhất với 34,6%. Cổ phiếu FTM đã hủy niêm yết trên HoSE từ 16/5 do kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp (2019, 2020, 2021), bên cạnh đó FTM còn bị tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp.
Giảm giá
Trong danh sách 10 mã giảm giá mạnh nhất sàn HoSE có đến 3 mã thuộc “họ” FLC là ROS của Xây dựng FLC FAROS (HoSE: ROS), HAI của Nông Dược HAI (HoSE: HAI) và FLC của Tập đoàn FLC (HoSE: FLC).
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.
Cổ phiếu PXS của Lắp máy Dầu khí (HoSE: PXS) cũng giảm 13,4% chỉ sau một tuần giao dịch. HoSE vừa công bố quyết định hủy niêm yết 60 triệu cổ phiếu PXS. Lý do được phía HoSE đưa ra là tổ chức kiếm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ với báo cáo tài chính năm 2019, 2020 và 2021 của công ty, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm h, khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020. Ngày giao dịch cuối cùng là ngày 23/6.
Tại sàn HNX, cổ phiếu giảm mạnh nhất thuộc về SDG của Sadico Cần Thơ ( HNX: SGD ) với 18,3%. Đa số các cổ phiếu trong danh sách giảm giá mạnh sàn HNX đều có thanh khoản rất thấp.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.
Tương tự sàn HNX, các mã giảm giá mạnh nhất sàn UPCoM cũng đa phần thuộc diện thanh khoản thấp. Đứng đầu danh sách giảm giá sàn này là VFC của Vận tải biển VINAFCO ( UPCoM: VFC ) với 27,7% tuy nhiên, cổ phiếu này chỉ khớp lệnh bình quân 40 đơn vị/phiên trong tuần qua.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.