VN-Index có tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp trước khá nhiều thông tin tác động. Theo đó, tâm lý nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với thông tin Fed tăng lãi suất cũng như Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 1%. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.203,28 điểm, tương ứng giảm 30,75 điểm (-2,5%), tương tự, HNX-Index giảm 8,44 điểm (-3,09%) xuống 264,44 điểm, UPCoM-Index giảm 0,87 điểm (-0,97%) xuống 88,59 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 14.044 tỷ đồng/phiên, giảm 6,5% so với tuần trước, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân riêng sàn HoSE giảm 9,5% và đạt 12.128 tỷ đồng/phiên.
Đa số các nhóm ngành cổ phiếu có biến động tiêu cực trong tuần giao dịch vừa qua. Trong top 30 vốn hóa lớn nhất thị trường có đến 24 mã giảm giá trong khi chỉ có 5 mã tăng. Đứng đầu trong danh sách giảm giá ở nhóm này là VPB của VPBank ( HoSE: VPB ) với gần 6%. VPB giảm bất chấp có thông tin hỗ trợ đó là ngân hàng này thông qua triển khai phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, ngày chốt danh sách cuối cùng là 29/9. VPBank dự kiến phát hành thêm 2,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền sở hữu là 2:1, tức cổ đông sở hữu hai cổ phiếu phổ thông tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm một cổ phiếu mới.
Tuy nhiên, dòng ngân hàng chịu thông tin bất lợi đó là NHNN đã tăng lãi suất điều hành lần đầu tiền kể từ 2020 sau động thái tăng lãi suất của Fed. Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Tại phiên họp ngày 22/9, Thủ Tướng đã yêu cầu NHNN xem xét tăng lãi suất điều hành và lãi suất huy động, nhưng lại yêu cầu cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Do đó, đơn vị này cho rằng NIM toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới.
VCB của Vietcombank ( HoSE: VCB ) cũng giảm 5,1%. TCB của Techcombank (HoSE: TCB) giảm 5%, CTG của VietinBank ( HoSE: CTG ) giảm 4,6%.
Ở chiều ngược lại, GAS của PV GAS ( HoSE: GAS ) đi ngược thị trường chung khi tăng 1,4%. VNM của Vinamilk ( HoSE: VNM ) cũng giảm 0,9%.
Tăng giá
Đứng đầu mức tăng giá ở sàn HoSE là LEC của BĐS Điện lực Miền Trung ( HoSE: LEC ) với gần 40%. Giá cổ phiếu LEC tăng từ 7.510 đồng/cp lên 10.500 đồng/cp. Doanh nghiệp này đã có thông báo tình hình công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu. Theo đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra bình thường và không có biến động đặc biệt nào trong hoạt động. Việc giá cổ phiếu LEC tăng trần 5 phiên liên tiếp từ 16/9 đến 22/9 là do cung cầu trên thị trường chứng khoán.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.
Đứng thứ hai trong danh sách tăng giá ở sàn HoSE cũng nằm trong nhóm bất động sản khác là TEG của Năng lượng và Bất động sản Trường Thành ( HoSE: TEG ) với 14,3%.
Tuần vừa qua, nhóm xây dựng gây ấn tượng khi ghi nhận nhiều mã tăng giá tốt đặc biệt là các cổ phiếu được cho hưởng lợi từ đầu tư công. LCG của LIZEN ( HoSE: LCG ) tăng 8,9%. HHV của Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả ( HoSE: HHV ) cũng tăng 8,4%.
Ở sàn HNX, cả 4 vị trí dẫn đầu về mức tăng giá đều thuộc nhóm xây dựng, trong đó, CX8 của Constrexim số 8 ( HNX: CX8 ) tăng 30%. Tiếp sau đó, VE8 của Xây dựng Điện Vneco 8 ( HNX: VE8 ) tăng 25%. Hai mã INC của Tư vấn Đầu tư IDICO ( HNX: INC ) và SDU của Đô thị Sông Đà ( HNX: SDU ) tăng lần lượt 21% và 18,4%. Tuy nhiên, điểm chung của các cổ phiếu này đó là thanh khoản đều duy trì ở mức rất thấp.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.
Trong danh sách tăng giá mạnh sàn HNX, PVB của Bọc ống Dầu khí Việt Nam ( HNX: PVB ) là mã duy nhất có thanh khoản tốt và tăng gần 13%.
Tại sàn UPCoM, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thuộc về EPC của Cà Phê Ea Pốk ( UPCoM: EPC ) với 111%. Tuy nhiên, EPC chỉ có khối lượng khớp lệnh bình quân 460 đơn vị/phiên trong tuần qua. Đa số các cổ phiếu tăng giá mạnh sàn UPCoM cũng đều thuộc nhóm thanh khoản thấp. LCM của Khoáng sản Lào Cai ( UPCoM: LCM ) là mã hiếm hoi có thanh khoản tốt và tăng giá gần 55% chỉ sau một tuần giao dịch.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.
Giảm giá
Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HoSE thuộc về TGG của Louis Capital ( HoSE: TGG ) với gần 20%. Mới đây, ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT CTCP Louis Holdings, bị cáo buộc thao túng cổ phiếu BII và TGG, thu lời bất chính hơn 153 tỷ đồng.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.
Tiếp sau đó, KPF của Đầu tư Tài chính Hoàng Minh ( HoSE: KPF ) cũng mất hơn 15% giá trị sau một tuần giao dịch. Như vậy, sau giai đoạn bứt phá mạnh hồi tháng 8, cổ phiếu KPF đã có sự điều chỉnh trở lại và hình thành mô hình “cây thông”.
Cổ phiếu HAH của Vận tải và Xếp dỡ Hải An ( HoSE: HAH ) cũng gây bất ngờ khi nằm trong danh sách những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HoSE với mức giảm gần 13%.
Ở sàn HNX, cổ phiếu giảm mạnh nhất thuộc về THS của Thanh Hoa Sông Đà ( HNX: THS ) với gần 29%. Tuy nhiên, THS thuộc diện có thanh khoản rất thấp.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.
Một cổ phiếu khác cũng thuộc “hệ sinh thái” Louis đó là BII của Louis Land ( HNX: BII ) cũng giảm 24,5% chỉ sau một tuần giao dịch.
Tại sàn UPCoM, cổ phiếu GER của Thể thao Ngôi sao Geru ( UPCoM: GER ) giảm mạnh nhất với hơn 38%. Hầu hết các cổ phiếu giảm mạnh sàn UPCoM đều có thanh khoản rất thấp. Trong khi đó, DTE của Đại Trường Thành Holdings (UPCoM: DTE) là mã hiếm hoi có thanh khoản cao. Trong tuần, DTE giảm 20% với thanh khoản nhảy vọt so với tuần trước đó. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này đạt hơn 1,2 triệu đơn vị/phiên, trong khi tuần trước đó chỉ vỏn vẹn 921 đơn vị/phiên.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.