Năm 2021, có thêm nhiều tân binh chào sàn chứng khoán nhưng ngược lại nhiều cổ phiếu phải ngậm ngùi rời sàn do bị hủy niêm yết bắt buộc.
Mục tiê lên sàn của các doanh nghiệp là để thu được những lợi ích như tăng tính thanh khoản, thuận lợi huy động vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu, minh bạch hóa thì trên thực tế, không ít cổ phiếu sau khi lên sàn lại bộc lộ những yếu kém và bị tụt lại phía sau và “ngậm ngùi” chia tay sàn chứng khoán.
Hủy niêm yết bắt buộc vì thua lỗ triền miên và không minh bạch
Trong năm 2021, đã có tổng cộng 15 mã cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE (5 mã) và HNX (10 mã).
Lý do buộc các cổ phiếu này phải “rời sàn” chủ yếu là vì doanh nghiệp làm ăn thua lỗ triền miên hoặc không minh bạch công bố thông tin.
Điển hình về trường hợp về thua lỗ là cổ phiếu CLG (CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC). CLG phải rời sàn HOSE từ ngày 22/04/2021 vì tổng số lỗ luỹ kế này tính đến ngày 31/12/2020 đã vượt quá vốn điều lệ của doanh nghiệp là 211.5 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị kiểm toán đã từ chối cho ý kiến đối với BCTC hợp nhất năm 2020 của CLG liên quan đến: Khoản phải thu, phải trả của công ty, hàng tồn kho, tài sản cố định hữu hình, đầu tư tài chính dài hạn, nợ tiềm ẩn, chi tiết vốn góp của chủ sở hữu, khả năng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cổ phiếu VAT (CTCP Viễn thông Vạn Xuân) rơi vào trường hợp vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Ngày 22/07/2020, HNX đã có thông báo về việc tạm ngừng giao dịch cổ phiếu VAT do tổ chức niêm yết không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đưa vào diện kiểm soát và tiếp tục vi phạm công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Từ quý 2/2019 đến nay, Công ty vẫn chưa công bố BCTC, Báo cáo quản trị Công ty, Báo cáo thường niên, thông tin về việc họp ĐHĐCĐ năm 2019-2021 và các thông tin bất thường khác theo quy định.
Riêng PME (CTCP Pymepharco) là trường hợp khá đặc biệt khi bị hủy niêm yết là do tổ chức niêm yết hủy tư cách công ty đại chúng vì cổ đông ngoại nắm 100% vốn. Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã thông báo về việc hủy đăng ký công ty đại chúng của PME sau khi doanh nghiệp lớn thứ 2 ngành dược trên sàn chứng khoán Việt Nam “bán mình” cho đối tác ngoại (Đức) với tỷ lệ sở hữu hơn 99% vốn điều lệ.
Loạt cổ phiếu “dọn nhà” khỏi UPCoM
Có đến 54 cổ phiếu bị hủy đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM trong năm 2021. Nguyên nhân phần lớn là do các công ty này bị hủy tư cách công ty đại chúng theo quyết định của UBCKNN.
Theo đó, trường hợp bị hủy tư cách công ty đại chúng vì những doanh nghiệp này có vốn điều lệ thấp hơn 30 tỷ đồng. Đơn cử như cổ phiếu STU của Môi trường và Công trình Đô thị Sơn Tây bị hủy đăng ký giao dịch tại UPCoM vào ngày 15/07.
Ở một trường hợp khác, cổ phiếu DNS của CTCP Thép Đà Nẵng có phiên giao dịch cuối cùng trên UPCoM vào ngày 12/07/2021 và 21.6 triệu cp DNS bị hủy đăng ký giao dịch từ 13/07 vì bị hủy tư cách công ty đại chúng do tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn chiếm đến 97.15% số cổ phần có quyền biểu quyết, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông khác chỉ chiếm 2.85% không đảm bảo điều kiện tối thiểu 10% theo quy định.
Riêng cổ phiếu NCP bị hủy đăng ký giao dịch là do CTCP Nhiệt điện Cẩm Phả (NCP) chấm dứt sự tồn tại do bị sáp nhập. CTCP Nhiệt điện Cẩm Phả (NCP) sáp nhập vào Tổng Công ty Điện lực TKV (DTK) nhằm tái cơ cấu tổ chức hoạt động của công ty con. Trước khi sáp nhập, DTK nắm giữ 97.58% cổ phần NCP.
Thông tin về hủy niêm yết tác động không nhỏ đến giá cổ phiếu cũng như tâm lý của các nhà đầu tư. Đa phần giá của các cổ phiếu đều biến động theo chiều giảm trong các phiên giao dịch kể từ sau thời điểm xuất hiện thông tin hủy niêm yết. Tuy vậy, vẫn có một số lượng không nhỏ các cổ phiếu có biến động giá phức tạp trong giai đoạn này, thậm chí còn có những cổ phiếu lại biến động tăng do đi kèm với các thông tin sáp nhập hoặc tái cơ cấu công ty theo chiều hướng có lợi.