Điểm mặt những công ty dừng huy động vốn trên sàn chứng khoán

Điểm mặt những công ty dừng huy động vốn trên sàn chứng khoán

Do thị trường chung có nhiều biến động nên một số công ty lớn xin dừng huy động vốn hoặc điều chỉnh kế hoạch phát hành.

ASM, HAG dừng huy động vốn vì thị trường không thuận lợi

Với dòng tiền dồi dào từ nhà đầu tư, thủ tục nhanh chóng, chi phí vốn rẻ nên 2020-2021 được xem là thời điểm vàng để các doanh nghiệp niêm yết thực hiện huy động vốn trên sàn chứng khoán. 

Nhưng thị trường chuyển biến xấu trên kênh chứng khoán cũng như nhiều kênh huy động khác nên các kế hoạch huy động mới gặp phải nhiều khó khăn hơn. Nhiều công ty lớn đã phải dừng huy động vốn hoặc điều chỉnh kế hoạch phát hành. 

Mới đây, Tập đoàn Sao Mai (Mã: ASM) thông báo về việc hủy phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ, được HĐQT thông qua vào ngày 8/6. Theo đại diện công ty, do kinh tế thế giới bất ổn, thị trường không thuận lợi.

Tập đoàn đa ngành này trước đó đã thông qua kế hoạch chào bán hơn 168 triệu cổ phiếu với giá chào bán dự kiến 12.000 đồng/cổ phần, phương thức thực hiện quyền mua với tỷ lệ 50%. Số vốn tương ứng huy động thông qua kênh phát hành này là hơn 2.000 tỷ đồng.

Sao Mai dừng huy động vốn khi mà cổ phiếu ASM đang trong cảnh lùi sâu về mốc 16.700 đồng, so với đỉnh hồi cuối tháng 3, thị giá của nó đã giảm hơn 32%. Còn ở hiện tại, thị giá của nó đang cao hơn 39% so với giá chào bán dự kiến.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của bầu Đức cũng vừa thông báo về việc tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ nhằm điều chỉnh phương án sử dụng vốn chi tiết, đảm bảo sao cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn của công ty cũng như để đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất.

Theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức, công ty sẽ nộp lại hồ sơ đăng ký cho UBCKNN và báo cáo việc điều chỉnh tại kỳ họp cổ đông gần nhất sau khi có phương án sử dụng vốn mới.

Diễn biến giá cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai trong một tháng qua.

Kế hoạch ban đầu của HAGL là dự kiến phát hành riêng lẻ 162 triệu cổ phiếu, đơn giá phát hành là 10.500 đồng. Theo đó, tổng số tiền huy động được là gần 1.700 tỷ đồng dùng, sẽ được sử dụng để cho các công ty con vay và trả nợ gốc trái phiếu.

Động thái này diễn ra khi mà HAGL đang lãi lớn trong kinh doanh, đã mua lại một phần trái phiếu trước hạn, chưa kể, giá cổ phiếu đang trong xu hướng tăng mạnh ở mức 13.900 đồng, chênh so với giá chào bán hơn 32%.

CKG tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ không công bố nguyên nhân

Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CKG) cũng vừa công bố việc tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo Nghị quyết HĐQT ngày 25/11/2021 mà không công bố nguyên nhân.

Doanh nghiệp này trước đó có kế hoạch chào bán riêng lẻ hơn 13,4 triệu cổ phiếu nhằm huy động vốn trả các khoản nợ vay cùng với các khoản nợ liên quan đến thi công dự án. Dự kiến, đơn giá phát hành cổ phiếu là 15.000 đồng, số tiền tương ứng thu về là hơn 200 tỷ đồng.

Theo chia sẻ của công ty, đơn vị sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021. Các phương án đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ sau đó sẽ được triển khai lại. Giá cổ phiếu CKG đang ở mức 29.500 đồng, có xu hướng đi lên tại, cao gần gấp đôi so với giá chào bán.

Công ty bất động sản Hodeco (HDC) cũng đưa ra quyết định tạm hoãn phát hành hơn 8,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ năm 2022 khi mà thị giá HDC đang giảm mạnh, chỉ bằng khoảng một nửa giá chào bán hồi tháng 5.

Theo tài liệu họp cổ đông, lãnh đạo của Louis Capital cũng đề xuất về việc hủy bỏ cả phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng như phương án chào bán riêng lẻ do nhận thấy không còn phù hợp với thời điểm hiện tại.

Bên cạnh việc dừng huy động vốn, nhiều công ty cũng xin điều chỉnh kế hoạch phát hành cổ phiếu như DIC Corp (DIG), Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH), Công ty Chứng khoán Trí Việt (TVB), Sản xuất kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV), Công ty Khoáng sản Miền Đông AHP (BMJ)…

Exit mobile version