Những doanh nghiệp tiếp theo nào sẽ rời bỏ Nga?

Những doanh nghiệp tiếp theo nào sẽ rời Nga?

Enel SpA, BP Plc, Shell Plc… những công ty năng lượng lớn nhất thế giới công bố kế hoạch rời bỏ Nga trong vài tháng tới.

Những doanh nghiệp năng lượng lớn nhất thế giới công bố kế hoạch chấm dứt hoạt động tại Nga

Thông tin trên Bnews, ông Francesco Starace – Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng lớn nhất Italy – Enel SpA cho biết trong vài tháng tới sẽ rời khỏi các hoạt động tại Nga.

Trả lời trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV, ông Starace cho hay, doanh nghiệp này đang trong quá trình bán nhà máy nhiệt điện. Quy trình mà tập đoàn này nói rằng đã có từ trước, nhưng sẽ cần phải tiến hành gấp hơn.

Được biết, Enel Russia PJSC được thành lập năm 2004 nhưng chỉ đóng góp hơn 1% vào tổng lợi nhuận hoạt động chung của Enel.

Nhiều doanh nghiệp nói lời từ giã

Sau khi Nga tiến hành chiến tranh đặc biệt tại Ukraine, không riêng gì Enel SpA, các công ty năng lượng lớn nhất thế giới như BP Plc, Eni SpA của Italy hay Shell Plc cũng đều công bố kế hoạch rút khỏi các khoản đầu tư của họ ở Nga.

Shell là một công ty dầu khí lớn nhất châu Âu. Hôm 28/2, doanh nghiệp này cho biết sẽ rút khỏi liên doanh với Gazprom – tập đoàn khí đốt tự nhiên lớn của Nga. Được biết, hiện Shell nắm 27,5% cổ phần tại nhà máy khí hóa lỏng Sakhalin 2. Trong khi đó, Gazprom nắm 50% và điều hành dự án này.

Chưa hết, Shell còn rút lui khỏi dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga sang Đức, đồng thời từ bỏ cổ phần trong các dự án năng lượng ở Siberia.

Tính đến cuối năm 2021, Shell có khoảng 3 tỷ USD tài sản dài hạn trong các dự án tại Nga. Ông Beurden, giám đốc điều hành của Shell thừa nhận việc rút khỏi các dự án tại Nga sẽ ảnh hưởng đến giá trị sổ sách của tập đoàn, dẫn đến những thiệt hại.

Công ty dầu khí BP hôm 27/2 cho biết sẽ từ bỏ cổ phần đang nắm giữ tại Rosneft. Đây là doanh nghiệp dầu khí có phần lớn vốn thuộc sở hữu của chính phủ Nga. Với quyết định này, tập đoàn dầu khí của Anh bị thiệt hại 25 tỷ USD và giảm 1 nửa lượng dầu khí dự trữ.

Ngày 28/2, tập đoàn Equinor của Na Uy cũng thông báo về việc sẽ bắt đầu thoái vốn các liên doanh ở Nga.

Ở động thái tương tự, General Motors thông tin về việc sẽ tạm ngừng xuất khẩu xe sang Nga. Việc này diễn ra cho đến khi nào có thông báo mới. Hãng này sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi GM chỉ bán khoảng 3.000 xe/năm ở Nga.

Daimler Truck Holding AG cũng nói rằng sẽ ngừng gửi các bộ phận lắp ráp cho các đối tác liên doanh của Nga. Volvo Car AB cho biết họ sẽ ngừng hoạt động ở Nga. Ngay cả Renault SA cho biết đã đóng cửa một nhà máy gần Moscow vì không thể cung cấp đủ phụ tùng.

Có thể thấy, Mỹ và các nước phương Tây đã tung một loạt những lệnh trừng phạt áp lên Nga kể từ khi xảy ra căng thẳng Nga – Ukraine.

Trong đó, ngày 27/2, Mỹ và các nước phương Tây đã ra đòn trừng phạt kinh tế mạnh nhất từ ​​trước đến nay bằng cách sẽ loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu chính SWIFT. Cùng với đó là áp dụng đồng loạt các biện pháp khác để hạn chế việc Moscow sử dụng khoản dự trữ ngoại hối trị giá 630 tỷ USD.

Exit mobile version