Những lỗi tư duy trong tiết kiệm để trở nên giàu có

Những lỗi tư duy trong tiết kiệm để trở nên giàu có

Mặc dù có thói quen tiết kiệm nhưng nhiều người khi được hỏi thì vẫn cảm thấy khá căng thẳng với vấn đề tài chính. Vậy, chúng ta đang mắc phải những lỗi tư duy nào trong tiết kiệm?

Anh Nguyễn Thanh Minh – Tổng Giám đốc Công ty OneSecond Việt Nam đã đưa ra những lời tư vấn khá thú vị liên quan đến vấn đề tiết kiệm. Theo anh Minh, mặc dù chúng ta tiết kiệm nhưng thực hiện điều này hay không, không tác động nhiều đến độ yên tâm của chúng ta về tài chính. Chúng ta có nhiều tiền hay có tài sản, tiết kiệm được nhiều tiền hay không tiết kiệm được nó chưa chắc được trong tương lai chúng ta có đủ hay không? Nếu chúng ta không chắc chắn rằng số tiền chúng ta có đủ lo cho tương lai thì tình trạng căng thẳng về tài chính sẽ vẫn diễn ra.

Với một mức lương cố định hàng tháng, nhưng chúng ta luôn phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi trong bối cảnh bản thân không biết được ngày mai ra sao, nếu covid quay trở lại? Nếu tai nạn? Nếu mất việc? Nếu suy thoái kinh tế? Nếu lạm phát… Đây là tâm lý mung lung của mọi người về tương lai, kể cả với người giàu…

Mỗi người trong cuộc sống có một mối quan tâm riêng. Người quan tâm đến sự nghiệp, người quan tâm đến sức khỏe, người quan tâm đến mối quan hệ gia đình… Trong tài chính cá nhân cũng vậy. Tiền có phải mục tiêu cuối cùng không? Bản chất của kiếm tiền là kiếm tìm hạnh phúc của bản thân và những người thương yêu…

Những lỗi tư duy trong tiết kiệm

Theo anh Minh, người Việt Nam từ xưa đến nay hay tư duy tài chính theo tư duy lãi đơn. Nhưng trong tài chính thì tư duy theo lãi kép. Ví dụ ta có 100 triệu gửi tiết kiệm, lãi suất 10% thì năm nay thu về 110 triệu. Nhưng năm sau, chúng ta sẽ không bắt đầu từ con số 100 triệu mà chúng ta bắt đầu với 110 triệu, lãi suất 10% sẽ mang về 121 triệu. Theo thời gian, số tiền sẽ nhân lên theo lãi kép, bạn sẽ có một con số khá bất ngờ.

Tư duy tiết kiệm của người Việt Nam phần nhiều do bản năng, được cha mẹ truyền bảo từ xưa, không phải do định hướng. Do đó, trước khi tiết kiệm, chúng ta phải liệt kê ra danh sách nhu cầu tiết kiệm: Nhu cầu hiện tại, nhu cầu tương lai, nhu cầu cho dự phòng các rủi ro. Chúng ta biết mỗi nhu cầu cần bao tiền thì chúng ta sẽ biết được lý do vì sao mình phải tiết kiệm.

Tiết kiệm một cách cực đoan là vấn đề mọi người hay mắc phải. Họ không biết chính xác mình cần bao nhiêu tiền. Do đó, có những người tiết kiệm nhiều quá, dẫn đến quỹ chi tiêu bị giảm đi hoặc phải làm thêm công việc ngoài giờ để kiếm tiền, rất dễ rơi vào cảnh mệt mỏi.

Tiếp nữa, nhiều người thường tiết kiệm sau khi chi tiêu, nhất là các bạn trẻ. Như vậy đến giữa tháng là các bạn đã bắt đầu khá căng thẳng về vấn đề tài chính, phải bóp lại chi tiêu, hạn chế đi ăn ngoài, hạn chế cafe… khoảng thời gian cuối tháng vì thế trở nên ám ảnh nhất.

Ở nước ngoài có một quy tắc Pay yourself first (Trả cho bản thân trước), tức là tiết kiệm trước. Ngay sau khi nhận lương, chúng ta sẽ thực hiện cắt ngay số tiền cần phải tiết kiệm. Cách này sẽ giúp chúng ta kỷ luật hơn trong quá trình thực hiện.

Tiết kiệm nhiều quá nhưng đầu tư sai chỗ cũng là một trong những sai lầm của nhiều người. Không ít người đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, tiền số… Thời gian đầu, họ kiếm được một chút. Sau đó, họ bắt đầu “all in”, dốc hết tài sản tiết kiệm mình có vào đầu tư. Nhưng đa phần đều không thu về lợi nhuận, thậm chí còn mất trắng.

Một vấn đề khác, nhiều người chưa chủ động trong việc sử dụng tiền tiết kiệm của mình hiệu quả. Nhiều người tích lũy xong gửi hết vào ngân hàng và cho rằng nó vừa an toàn, vừa không gặp rủi ro. Nhưng đâu biết rằng, thực tế lãi suất ngân hàng không bao giờ neo mãi ở 9-10%. Đối với nền kinh tế như Việt Nam, GDP đang ở 400 tỷ USD, dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng 6-7%/năm trong 15-20 năm tới. Như vậy, chúng ta nhanh chóng tiệm cận đến con số 1000 tỷ USD.

Anh Minh cho hay, trên thế giới, những nước giống như chúng ta như Hàn, Đài Loan, Singapore trước đây… hay các nước phát triển hơn như Mỹ, EU… tất cả nước tiệm cận đến con số GDP 1000 tỷ USD thì lãi suất sẽ bắt đầu giảm rất mạnh. Hiện nay, mức lãi suất ở Mỹ, Nhật, Hàn, các nước phát triển ở EU, lãi suất ngân hàng loanh quanh 3-4%. Các nước Mỹ hay Nhật thậm chí chỉ 0-1%.

Việt Nam đang nằm top đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế sớm muộn cũng sẽ đối mặt với chuyện đó. Nếu chúng ta cứ sống trong giấc mộng, thì đấy là rủi ro về tài sản. Lúc đó họ sẽ đi tìm hiểu về các kênh đầu tư khác. Nhưng nếu chưa có kinh nghiệm, đem rất nhiều tiền tiết kiệm đổ vào các kênh đầu tư khác thì họ sẽ gặp khá rủi ro.

Những điều cần làm khi quản lý tài chính cá nhân

Có 2 việc chính phải làm khi quản lý tài chính là thiết lập mục tiêu tài chính, tiếp là lập kế hoạch ngân sách, cân đối thu tiêu. Từ đó ta biết được phải tiết kiệm bao nhiêu mỗi tháng.

Trong kiến thức chuẩn về quản lý tài chính cá nhân chia thành 3 phần: Tiết kiệm, chi tiêu thiết yếu và chi tiêu mong muốn. Khi biết được số tiền phải tiết kiệm, chúng ta sẽ cắt ngay khi nhận lương. Ví dụ lương 30 triệu, tiết kiệm 10 triệu, còn 20 triệu. Số tiền 20 triệu còn lại, bạn sẽ phân bổ chi tiêu cho thiết yếu và chi tiêu mong muốn.

Về chi tiêu thiết yếu, trong tháp maslow, nó nằm ở tầng thấp nhất (ăn, ở, đi lại, bảo vệ bản thân…). Chúng ta sẽ phân bổ ngay số tiền trong 20 triệu vào đây. Nếu mức chi tiêu thiết yếu hết 15 triệu, tức là bạn chỉ còn 5 triệu chi tiêu cho mong muốn (có thì vui hơn, không có thì chẳng sao). Vì thế, nếu chúng ta tiết kiệm thì có thể cắt giảm ở mức chi tiêu mong muốn.

Số tiền chúng ta bỏ ra tiết kiệm thực tế đã bao gồm cả cho hoạt động đầu tư. Tiết kiệm cho nhu cầu hiện tại (hỏng hóc xe cộ…) sẽ không nhiều, chủ yếu tiết kiệm cho nhu cầu trong tương lai và các tình huống dự phòng rủi ro. Đối với dự phòng rủi ro, chúng ta có thể gửi tiết kiệm vào ngân hàng, mua bảo hiểm. Còn tiết kiệm cho nhu cầu vào tương lai (hưu trí, quỹ cho con khởi nghiệp…), chúng ta sẽ phải giải một bài toán ngược. Nói cách khác, trong kế hoạch tiết kiệm, là chúng ta đã phải có kế hoạch đầu tư rồi.

Trong tài chính cá nhân, chìa khóa quan trọng nhất là phải xác định được mục tiêu của mình. Nó cũng cần cả tính thực tế. Ai cũng muốn làm giàu, nhưng đó là lý do nhiều người bị thao túng tâm lý bằng những câu chuyện phi thực tế về làm giàu. Sự tham lam đôi khi sẽ khiến bạn phải trả một cái giá khá đắt.

Chúng ta nếu không hiểu tính thực tế của làm giàu, đầu tư sẽ rất dễ bị lôi kéo. Để làm giàu chỉ có 2 cách, một là làm giàu chậm, hai là làm giàu nhanh nhưng phải đổ mồ hôi, công sức rất nhiều (doanh nghiệp sau khi tạo ra giá trị cho con người có thể được đầu tư, rót vốn, nâng giá trị doanh nghiệp lên cao).

Exit mobile version