Những lý do đẩy Adidas vào khủng hoảng

Những lý do đẩy Adidas vào khủng hoảng

Adidas – một thương hiệu sản xuất đồ thể thao của Đức đang rơi vào khủng hoảng bởi rất nhiều lý do.

Cổ phiếu Adidas thấp nhất trong 6 năm

Financial Times cho hay, cổ phiếu của Adidas đang giao dịch ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua, thậm chí còn thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn khó khăn của thương hiệu này trong thời kỳ đại dịch.

Theo nhận định từ phân tích viên của Citi – ông Thomas Chauvet thì có lẽ sẽ phải thiết lập lại toàn bộ thương hiệu này. Một số chuyên gia nêu quan điểm, ngay từ đầu năm 2019, Adidas đã gặp vấn đề với dòng sản phẩm của mình.

Một quản lý cấp cao của tập đoàn cho hay: “Thành thật mà nói, ngay cả trước Covid-19, chúng tôi cũng không có được mức tăng trưởng như mong muốn”. Ngoài ra, người này cho rằng, phía ban lãnh đạo công ty đã không thể xác định được lý do về việc Adidas suy yếu.

Quá phụ thuộc vào “con gà đẻ trứng vàng” Yeezy

Adidas đã kết hợp với rapper Kanye West tạo ra thương hiệu Yeezy. Thương hiệu này sau đó trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho tập đoàn này. Hàng năm, nó đã đóng góp 1,7 tỷ euro doanh thu (7% tổng donah thu) cho Adidas. Nhưng con số này không được tập đoàn tiết lộ cho các nhà đầu tư. Theo một phân tích viên, có lẽ tập đoàn này không muốn nói đến sự phụ thuộc của công ty vào thương hiệu này.

Để giải quyết vấn đề này, phía ban lãnh đạo Adidas đã “bắt tay” với loạt người nổi tiếng khác như Beyoncé, Jerry Lorenzo hay Pharrell Williams. Đáng tiếc, không có sự hợp tác nào thành công về mặt thương mại như Yeezy.

Thiết kế của Kanye West kết hợp với thương hiệu adidas vẫn được lòng nhiều “đầu giày”.

Kể từ tháng 10/2022, Adidas không còn hợp tác với Kanye West sau khi nam rapper có những phát ngôn bài trừ người Do Thái gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn cầu. Sự thất bại của Yeezy đẩy tập đoàn vào hỗn loạn.

Được biết, Adidas đang tồn kho một lượng lớn giày Yeezy trị giá hơn 500 triệu euro. Để tránh bị thiệt hại nặng nề, hiện công ty vẫn cố gắng tìm cách bán chúng dưới thương hiệu riêng của mình.

Thất thu tại 2 thị trường Nga và Trung Quốc

Adidas đã quyết định ngừng kinh doanh tại Nga sau khi xảy ra xung đột giữa nước này và Ukraine. Đáng nói, Nga là đất nước mang về cho hãng này nguồn doanh thu lên tới hơn 500 triệu euro/năm.

Năm 2019, thị trường Trung Quốc ghi nhận mức doanh thu đạt 5 tỷ euro và tỷ suất lợi nhuận lên đến 30%. Thế nhưng trong năm nay, doanh thu của Adidas sụt giảm mạnh tại thị trường này.

Bê bối từ chối dùng bông của Tân Cương, Trung Quốc đã khiến Adidas có một năm 2021 tồi tệ. Hàng loạt nghệ sĩ Trung Quốc từ chối hợp tác với Adidas tạo cơ hội cho nhiều thương hiệu sản xuất đồ thể thao nội địa vươn lên giành thị phần.

Doanh thu của thương hiệu sản xuất đồ thể thao hàng đầu Đức sụt giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc trong những năm gần đây.

Ngoài ra, doanh số bán hàng của Adidas tại đất nước tỷ dân cũng tụt dốc bởi dịch bệnh. Theo dự báo của các chuyên gia, doanh thu năm nay của tập đoàn tại thị trường này chỉ khoảng 3 tỷ euro.

Cuộc khủng hoảng nhân lực tại Adidas

Kể từ năm 2019, có ít nhất 10/20 nhóm lãnh đạo chủ chốt của công ty đã rời khỏi Adidas. Cựu CEO Rorsted được cho là đã quản lý quá độc đoán, giết chết tính sáng tạo, coi thường ý kiến đóng góp của mọi người.

Nhưng cũng có quan điểm nói rằng, Rorsted thỉnh thoảng yêu cầu mọi người rời khỏi cuộc họp nhưng không phải để đe dọa. Ông chỉ muốn giữ bí mật các chủ đề nhạy cảm như tuyển dụng hay thăng chức.

17 giám đốc điều hành hiện tại và trước đây của Adidas đã trả lời một cuộc phỏng vấn. Theo đó, nhiều người trong số đó nói rằng, Rorsted và hội đồng quản trị đã thất bại trong việc điều hành công ty khi sa thải loạt nhân sự chủ chốt, đồng thời trở nên quá phụ thuộc vào Yeezy.

Ngoài ra, vị giám đốc sắp mãn nhiệm “quản lý bằng sự sợ hãi” đã khiến nhân viên bị tổn thương, nhiều nhân tài vì thế cũng ra đi.

Exit mobile version