Những doanh nhân “mãnh hổ” ghi dấu ấn trên thị trường bất động sản Việt Nam

Bước sang năm mới Nhâm Dần 2022, cùng điểm lại những doanh nhân mãnh hổ nổi bật trên thị trường bất động sản Việt Nam.

Người tuổi Dần hay được cho là người mạnh mẽ và có khả năng lãnh đạo. Ghi dấu ấn trên thị trường bất động sản Việt Nam cũng có nhiều doanh nhân sinh năm Dần, trong đó nổi bật là các sếp lớn tại nhóm Vingroup, T&T, Xuân Thành hay Tiến Phước,…

Những doanh nhân “mãnh hổ” thị trường bất động sản Việt

Bà Nguyễn Diệu Linh – Chủ tịch Vinhomes

Bà Nguyễn Diệu Linh sinh ngày 14/05/1974 tại Hà Nội. Bà hiện là Phó Chủ tịch tập đoàn Vingroup kiêm Chủ tịch Vinhomes.

Bà là một trong những “nữ tướng” quyền lực nhất tập đoàn Vingroup nói riêng và thị trường bất động sản Việt Nam nói chung. Bà là cánh tay phải hỗ trợ đắc lực cho tỷ phú, chủ tịch Phạm Nhật Vượng.

Vị nữ phó chủ tịch tập đoàn Vingroup có trình độ cử nhân ngoại ngữ và cử nhân luật. Trước khi gia nhập Vingroup, bà là chuyên viên pháp lý Văn phòng Luật Ngo Miguérès and Partners, Hà Nội, rồi chuyển sang công tác tại Hãng Luật Gide Loyrette Nouel, Hà Nội từ năm 1999. Hiện bà Linh còn giữ vị trí chủ tịch HĐQT của Công ty TNHH Kinh doanh và Quản lý Bất động sản Vinhomes, Công ty TNHH Kinh doanh và Quản lý Bất động sản Vinhomes, Công ty TNHH Vincom Office.

Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai

Ông Đức là một trong những doanh nhân giàu có nhất Việt Nam. Năm 2008 và 2009, ông Đức liên tiếp xếp ở vị trí thứ nhất trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam. Năm 2012, ông xếp ở vị trí thứ hai sau ông Phạm Nhật Vượng với tổng tài sản 5.600 tỷ đồng. Hiện ông Đức ở vị trí thứ 44 với tổng tài sản 3.775 tỷ đồng.

Đoàn Nguyên Đức sinh năm Nhâm Dần 1962, quê tại Bình Định và có biệt danh là “Bầu Đức”. Ông là người Việt nổi tiếng như một ông bầu trong làng bóng đá và đồng thời cũng là một doanh nhân thành đạt qua thương hiệu nổi tiếng Hoàng Anh – Gia Lai.

2006-2008 là giai đoạn vàng của Hoàng Anh Gia Lai khi bất động sản mang lại nguồn doanh thu và lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp từ việc bán căn hộ phủ sóng khắp quận 7, Nhà Bè. Ngoài bất động sản tại Việt Nam, ông cũng gây tiếng vang khi đầu tư các dự án khu phức hợp Myanmar.

Cuối năm 2012, trong khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, Bầu Đức bất ngờ thoái vốn khỏi bất động sản, bán dần các quỹ đất vốn là thế mạnh của công ty để dốc toàn lực phát triển nông nghiệp tại Lào và Campuchia. Song nông nghiệp sau đó thua lỗ nhiều năm vì giá cao su lao dốc, doanh nghiệp luôn chịu áp lực xử lý nợ.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T

Ông hiện đang đứng vị trí thứ 103 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản sở hữu lên đến 1.549 tỷ đồng.

Ông Hiển sinh năm 1962 (Nhâm Dần), quê gốc tại Thái Bình. Năm 1993, ông thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T (Technology & Trade), tiền thân của Tập đoàn T&T, hoạt động chính trong lĩnh vực điện tử. Đến năm 2007, doanh nghiệp chuyển đổi thành mô hình tập đoàn và bắt đầu tham gia vào các lĩnh vực khác.

Hệ sinh thái T&T của ông Hiển trải dài từ kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, quản lý quỹ và chứng khoán. Ông Hiển còn nổi tiếng với vai trò ông bầu của Câu lạc bộ Bóng đá T&T Hà Nội (nay là Câu lạc bộ Hà Nội) với những cầu thủ nổi tiếng như Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Duy Mạnh,…

Ngoài ra, ông còn là sếp lớn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB), CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn – Hà Nội (SHF),…

Trong 3 năm trở lại đây, Tập đoàn T&T do ông Đỗ Quang Hiển (Bầu HIển) làm chủ tịch liên tục có động thái gom quỹ đất lớn tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hòa Bình, Vũng Tàu, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, An Giang….

Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT và đồng sáng lập Tập đoàn Vingroup

Bà Hằng sinh năm Giáp Dần (1974) là em vợ ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup. Năm 2020, bà đứng thứ 9 trong số 10 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. 

Về Vingroup, đây là tập đoàn đa ngành, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như bất động sản (Vinhomes), bán lẻ (Vincom Retail), ô tô (Vinfast), giáo dục (Vinschool, VinUni), y tế (Vinmec),…

Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, dự kiến trong quý IV/2022, Vingroup sẽ triển khai 4 dự án mới tại Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, gồm dự án Nhà máy sản xuất Cell Pin LFP (tổng mức đầu tư hơn 8.814 tỷ đồng, diện tích dự kiến 12,6 ha), dự án hạ tầng khu công nghiệp ô tô và linh kiện phụ trợ (diện tích 1.160 ha), dự án đầu tư cảng biển, logistics (tổng mức đầu tư 40.000 tỷ đồng) và dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Kỳ Ninh (tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Thành Lập – Chủ tịch Tập đoàn Tiến Phước

Ông Nguyễn Thành Lập sinh năm 1950. Ông là người sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước (Tiến Phước Group). Ngày 10/10/1992, ông Lập thành lập công ty Nông sản Tinh dầu Tiến Phước. Năm 2003, đổi tên thành Công ty TNHH Tiến Phước, đến tháng 4/2015 bắt đầu chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty Cổ phần bất động sản Tiến Phước.

Ông Nguyễn Thành Lập được biết tới với vẻ bề ngoài giản dị, giống một công chức về hưu và cách nói chuyện từ tốn. “Đại gia địa ốc bí ẩn” là danh xưng mà giới truyền thông gán cho vị doanh nhân gần như tránh né báo giới trong suốt sự nghiệp kinh doanh.

Danh mục dự án làm nên tên tuổi của Tiến Phước như Khách sạn Le Meridien tại 3C Tôn Đức Thắng (Quận 1), Khu dân cư Long Trường (Quận 9), Khu dân cư Senturia Vườn Lài 9,8ha (Quận 12), Khu dân cư Senturia Nam Sài Gòn 19,8ha (huyện Bình Chánh), Palm Heights 30ha (Quận 2), Senturia An Phú 18,2ha (Quận 2) hay liên doanh với Trần Thái Group, Keppel Land và Gaw Capital thực hiện dự án Empire City tỷ đô tại Khu đô thị Thủ Thiêm.

Exit mobile version