Những ông lớn trong cuộc đua ngành thuốc

vimoney: Những ông lớn trong cuộc đua ngành thuốc

Ngành thuốc hot hơn bao giờ hết khi có sự xuất hiện của rất nhiều ông lớn, từ FPT Retail cho đến Thế giới di động…

Nhà thuốc An Khang – Thế giới di động

Nhận thấy ngành thuốc có cơ hội phát triển sau đại dịch nên rất nhiều “ông lớn” đã ganh nhau trên đường đua này, trong đó không thể không kể đến Thế giới di động với nhà thuốc An Khang và FPR Retail với chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Ngày 18/2, chia sẻ với các nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động chia sẻ về việc nâng tỷ lệ sở hữu tại nhà thuốc An Khang lên 100%, múc đích là chuẩn bị tăng tốc trong tương lai, thời điểm có nhiều cơ hội tốt đối với ngành thuốc sau đại dịch.

Theo tìm hiểu, năm 2017, Thế Giới Di Động mua lại cổ phần chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang. Sau đó, nhà thuốc này được đổi tên thương hiệu thành An Khang. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, tập đoàn này chỉ tiến hành thăm dò thị trường dược phẩm khi chỉ sở hữu 49% cổ phần của chuỗi nhà thuốc.

Nói về việc chưa đầu tư lớn vào An Khang, giữa năm 2020, ông Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ với nhà đầu tư rằng, lý do đến từ những rào cản khách quan. Ví dụ ông đưa ra là việc các nhà thuốc cùng mang thương hiệu của công ty nhưng cá nhân đứng tên đăng ký kinh doanh nên tiềm ẩn rủi ro về pháp lý.

Cuối năm 2021, Thế giới di động chính thức nâng tỷ lệ nắm giữ tại An Khang lên 100%, đồng thời đặt ra mục tiêu tăng tốc cho hệ thống này. Chuỗi nhà thuốc An Khang hiện có 201 cửa hàng và tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam.

Về doanh thu của chuỗi nhà thuốc này, theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Hiểu Em, hiện tại doanh số của các nhà thuốc An Khang bình quân đạt 500 triệu đồng/tháng/điểm bán, tương đương với 100 tỷ đồng/tháng/200 cửa hàng và 1.200 tỷ đồng/năm.

Theo ông Hiểu Em, mức doanh số trên giúp các cửa hàng An Khang chạm ngưỡng hòa vốn nhưng còn thấp. CEO Thế Giới Di Động khẳng định chuỗi nhà thuốc An Khang còn nhiều dư địa để tăng mạnh doanh số bởi nhu cầu của người tiêu dùng rất lớn.

Nhà thuốc Long Châu – đơn vị đầu tiên công bố phân phối thuốc trị Covid-19

Trong mảng này, FPT Retail lại đang dẫn trước Thế Giới Di Động dù rằng thành lập Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu sau vào năm 2018. Hết năm 2020, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã có hơn 200 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc.

Năm 2021, hệ thống Long Châu của FPT Retail vẫn mở rộng nhanh chóng mặc sức càn quét của dịch bệnh. Hiện tại, hệ thống có 494 nhà thuốc, sau 4 năm hoạt động. Chủ tịch HĐQT FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp trong báo cáo thường niên năm trước đã khẳng định, quy mô phát triển nhanh chóng của nhà thuốc Long Châu chính là động lực tăng trưởng lâu dài của công ty.

Mới đây, chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail đã công bố thông tin mình là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam ký hợp đồng phân phối thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu năm 2020 đạt doanh thu 1.191 tỷ đồng, tăng trưởng lên tới 133%. Tuy nhiên, do dồn lực đầu tư mở rộng nên lợi nhuận vẫn âm.

Năm 2021, FPT Retail chưa công bố kết quả kinh doanh chính thức của chuỗi Long Châu. Nhưng riêng doanh thu quý IV của hệ thống này đã đạt hơn 1.400 tỷ đồng. Tính theo kết quả tăng trưởng từ các quý trước thì ước tính tổng doanh thu năm 2021 của Long Châu đạt gần 4.000 tỷ đồng.

Pharmacity là “trùm cuối” ngành thuốc?

Dù đã tham gia vào cuộc đua nhà thuốc, nhưng nếu đặt FPT Retail và Thế Giới Di Động cạnh Pharmacity thì 2 doanh nghiệp này vẫn đang ở mức… khiêm tốn. Pharmacity thành lập từ năm 2011 và đang vận hành 837 nhà thuốc trên phạm vi toàn quốc.

Thời điểm tháng 5/2019, kể từ sau khi Mekong Capital rót vốn, chuỗi nhà thuốc này đã tăng tốc. Từ 200 cửa hàng thời điểm đó, sau chưa đầy 3 năm, Pharmacity đã nâng quy mô hệ thống gấp 5 lần.

Được biết, năm 2007, quỹ đầu tư Mekong Capital chính là quỹ đầu tiên rót vốn vào Thế Giới Di Động. Khi đó, chuỗi này có chưa đến 10 cửa hàng.

Thời điểm cuối năm ngoái, truyền thông Hàn Quốc đưa tin tập đoàn SK Hàn Quốc đã rót vốn vào các doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam và chuẩn bị hoàn tất thương vụ đầu tư 100 triệu USD vào Pharmacity. Nhưng cho đến nay, nó vẫn chưa được các bên liên quan xác nhận.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2019, Pharmacity lỗ ròng 265 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2020, Pharmacity lỗ 194 tỷ đồng.

Exit mobile version