Những quan niệm sai lầm về phân tích kỹ thuật

Phân tích kỹ thuật là một công cụ hữu hiệu đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhiều quan niệm sai lầm về phân tích kỹ thuật, khiến cho các nhà đầu tư mới hoang mang. Nếu chưa biết về công cụ này, bạn có thể tham khảo thêm bài viết Phân tích kỹ thuật trong đầu tư – 10 trường phái thông dụng trước khi tham khảo bài viết dưới đây.

Quan niệm sai lầm thứ 1: Chỉ là công cụ cho nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn?

Đầu tư ngắn hạn hay dài hạn là sự lựa chọn của mỗi nhà đầu tư, phụ thuộc quan điểm đầu tư, mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư tại mỗi thời điểm. Phân tích kỹ thuật không hẳn chỉ dành cho nhóm chuyên lướt sóng mà ngay cả những nhà đầu tư giá trị cũng có thể tham khảo để có thể nắm được tình trạng xu hướng hiện tại của cổ phiếu.

Ví dụ: Nếu phân vân giữa 2 cổ phiếu lớn trong ngành và có kết quả kinh doanh tốt tại thời điểm tháng 05/2021 là cổ phiếu CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) và CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN), phân tích kỹ thuật có thể giúp bạn đưa ra quyết định khi về xu hướng hiện tại, MSN đang tốt hơn với giá đang nằm trên MA dài hạn. Trong khi đó, VNM lại khá xấu khi vừa mới xuất hiện điểm giao cắt tử thần (death cross) và giá phá vỡ ngưỡng hỗ trợ mạnh Fibonacci Retracement 38.2% trong tháng trước.

ViMoney: Những quan niệm sai lầm về phân tích kỹ thuật - Đồ thị VNM

Đồ thị cổ phiếu VNM giai đoạn 2021-2022

Quan niệm sai lầm thứ 2: Không để ý đến xu hướng thị trường

Một sai lầm rất kinh điển là nhà đầu tư thường hay bỏ qua yếu tố xu hướng mạnh hay yếu khi sử dụng nhóm chỉ báo trend-following nói chung và trung bình động (MA – Moving Average) nói riêng. Sai lầm này dễ dẫn đến những thua lỗ đáng tiếc trong quá trình đầu tư.

Trung bình động là một chỉ báo thể hiện giá trị trung bình của giá chứng khoán trong một khoảng thời gian xác định. Khi giá chứng khoán thay đổi thì giá trị trung bình cũng thay đổi theo.

Thực tế đã chứng minh là khi xu hướng yếu và đi ngang (sideway) thì nhóm chỉ báo trên không hoạt động hiệu quả và thường cho ra những tín hiệu sai lệch. Điều này đặc biệt đúng khi các trader sử dụng nhóm trung bình động (MA) ngắn hạn.

Tham khảo trường hợp đồ thị của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (HOSE: EIB) dưới đây, khi từ cuối tháng 06/2021, đường ADX đã rơi xuống dưới mức 25 chứng tỏ xu hướng của EIB đã yếu đi rất nhiều. Kể từ đó, giá xuất hiện 5 lần cho tín hiệu mua với đường SMA 20 ngày nhưng chỉ có 1 lần cho tín hiệu chính xác và mang lại lợi nhuận. Tỷ lệ thành công chỉ đạt 20% và đây là mức rất thấp.

Nguồn: VietstockUpdater

Quan niệm sai lầm thứ 3: Phải đoán đúng mới có lãi?

Vấn đề giá thấp hay cao liên quan đến phân tích cơ bản để xác định giá trị nội tại và so sánh mức này với giá thị trường để biết được cổ phiếu có đang bị thị trường đánh giá thấp hay không. Nếu định giá sai thì rất dễ dẫn đến các quyết định sai lầm

Phân tích kỹ thuật lại tập trung vào yếu tố thời điểm, nó giúp bạn biết được bên mua hay bên bán đang thắng thế và giá đã chuyển sang xu hướng tăng/giảm hay chưa? Điều này đặc biệt quan trọng khi thị trường đang ở trạng thái hỗn loạn, thông tin tốt xấu đan xen nhau. Khi đó, bạn cần hệ thống giao dịch (trading system) cho những tín hiệu khách quan để ra những quyết định xuống tiền, chốt lời hay cắt lỗ.

Phân tích kỹ thuật cho phép “sửa sai liên tục” khi xuất hiện một tín hiệu đi ngược với xu hướng chung thì ngay sau đó nó thường sẽ cho ra một tín hiệu sửa sai để đảo ngược vị thế. Điều này đảm bảo bạn không bị bỏ lỡ các đợt sóng trên thị trường. Pha “quay xe” kinh điển có thể kể đến trường hợp của giá cổ phiếu CTCP Chứng khoán SSI (HOSE: SSI) trong giai đoạn từ tháng 10/2021 đến tháng 11/2021.

Trong tuần từ thứ 3 của tháng 10/2021, chỉ báo MACD cho tín hiệu bán mạnh. Tuy nhiên, chỉ khoảng 5-6 phiên sau đó, chỉ báo này đã đảo chiều và cho mua trở lại và giúp nhà đầu tư bắt kịp con sóng tăng cuối năm của các cổ phiếu ngành chứng khoán.

Đồ thị giá SSI và chỉ báo MACD. Nguồn: VietstockUpdater

Quan niệm sai lầm thứ 4: Chỉ tập trung vào giá và khối lượng

Kinh nghiệm là thứ không thể thay thế trong nhiều trường hợp vì tương lai thường là sự lặp lại của quá khứ. Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng có mặt trái của nó. Kinh nghiệm thường đi kèm với định kiến và nhà đầu tư sẽ bị “đóng đinh suy nghĩ” với những kiến thức, trải nghiệm có sẵn.

Phân tích kỹ thuật hiện nay không còn chỉ chú ý đến giá và khối lượng của một cổ phiếu riêng lẻ, công cụ đã được cải tiến rất nhiều. Relative Rotation Graphs, thường được gọi là RRGs, là một công cụ trực quan hóa để phân tích Sức mạnh Tương đối (Relative Strength). Các nhà phân tích có thể sử dụng RRGs để tìm ra các ngành đang được dòng tiền bơm vào và có thể bứt phá trong tương lai.

Việc sử dụng các chỉ số cơ bản như P/E, P/B, P/S trong phân tích kháng cự/hỗ trợ cũng đem lại những kết quả rất khả quan (xem ví dụ của HPG với đồ thị P/E thường xuyên tạo đáy khi test vùng hỗ trợ 5-6.5 lần). Các mô hình định lượng (quantitative model) thường xuyên cho ra những kết quả dự báo với độ chính xác cao.

Nguồn: TradingView

Những người trẻ có thế mạnh với những công nghệ mới, kỹ thuật mới và khả năng học hỏi rất nhanh. Công nghệ đã có những ảnh hưởng to lớn đến lĩnh vực quản lý tài sản (asset management). Công ty BlackRock quản lý hơn 15,000 tỷ USD của khách hàng và là nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới. Larry Fink, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của BlackRock đã từng nhận định rằng không có sức mạnh nào có thể sánh được với công nghệ và tiềm năng của nó.

Thị trường chứng khoán luôn luôn vận động, năm 2021 không giống giai đoạn 2010-2015 và lại càng khác với những năm 2007-2008. Bạn luôn cần phải cập nhật kiến thức để nắm bắt cơ hội cho những con sóng tiếp theo của thị trường!

Nguồn: VietStock

Exit mobile version