Những tiền lệ xấu trên sàn chứng khoán

“Tôn chỉ của luật pháp chính là phúc lợi xã hội” – Benjamin Cardozo (1870 – 1938), Cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.

Ngày 10/01/2022, cả thị trường xôn xao một chủ tịch FLC đã bán “chui” gần 75 triệu cp của doanh nghiệp của mình mà không công bố thông tin trước khi giao dịch. Đây không phải lần đầu vị chủ tịch này có hành vi như vậy (lần đầu vào năm 2017).

Ngày 11/01, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định hủy giao dịch trên, hoàn tiền cho các tài khoản đối ứng. Cùng ngày, Bộ Tài chính cũng ra quyết định phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên vị chủ tịch này.

Quyết định kịp thời của UBCKNN đã xoa dịu được làn sóng phẫn nộ về hành động bán chui trên, tuy nhiên phản ứng khá nhanh và quyết liệt của UBCKNN lại phần nào chưa hoàn chỉnh khi không thể khắc phục hết thiệt hại. Việc hủy bỏ chỉ liên quan đến giao dịch bán chui 75 triệu cp, thị trường chia làm 2 nhóm, các nhà đầu tư được hoàn tiền do có giao dịch đối ứng với vị chủ tịch trong phiên 10/01 và các nhà đầu tư còn lại không được hoàn tiền.

Gần đây, thị trường lại tiếp tục ồn ào với một vụ việc chưa có tiền lệ. HAG ghi nhận lỗ sau thuế trong 3 năm liên tiếp 2017, 2018 và 2019 sau khi hồi tố báo cáo tài chính thực hiện trong năm 2021.HAG có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc. HAG đã có giải trình, xin được thử thách để duy trì niêm yết “bởi các cổ đông mua cổ phiếu dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai chứ không phải thông tin tài chính quá khứ cách đây 3-5 năm”.

Trước đó, EY Việt Nam liên tục nêu ý kiến (ngoại trừ 3 năm liên tiếp) với HAG trong báo cáo tài chính kiểm toán về các khoản phải thu. Tuy nhiên đến 2021 HAG mới tiếp thu ý kiến EY Việt Nam, nhiệt tình hồi tố lỗ vào 3 năm từ 2017 – 2019, bám vào kẽ hở trong quy định niêm yết (không quy định về việc hủy niêm yết khi hồi tố hay không). Để có thể tiếp tục niêm yết, bắt buộc năm 2021 HAG phải có lời. Có vẻ ban lãnh đạo của HAG đang khéo léo “gài” HOSE vào thế khó.

Tương tự,  sự cố nghẽn lệnh HOSE cuối năm 2020, đầu năm 2021 cũng là một tiền lệ khác. Lượng nhà đầu tư tham gia thị trường tăng vọt dẫn tới thanh khoản thị trường vượt xa năng lực của hệ thống. Hệ thống cũ của HOSE được đưa vào hoạt động từ năm 2000 nhưng tới 20 năm sau vẫn không được nâng cấp.

Trường hợp bán chui cổ phiếu FLC hay vụ HAG hồi tố có vẻ đều nằm trong tính toán của một hoặc vài cá nhân đã tận dụng lỗ hổng để lách quy định. Thế khó của cơ quan chức năng lúc này là buộc phải cân đo rất nhiều vì mỗi quyết định đưa ra đều tạo ra tiền lệ và sẽ ảnh hưởng tới thị trường sau này.

Vụ mua bán chui 75 triệu cp về cơ bản đã giải quyết được bức xúc của thị trường nhưng lại dẫn tới lo ngại giao dịch hoàn toàn có khả năng bị hủy bỏ vì lý do nào đó. Trường hợp HAG cũng khiến thị trường lo lắng vì những hệ lụy.

Về dài hạn, cơ quan quản lý cần phải đưa ra những biện pháp thật chặt chẽ để hạn chế tối đa các lỗ hổng để thị trường phát triển bền vững, minh bạch. Thậm chí, các nhà quản lý cần phải dự báo được những “chiêu thức lách luật” của doanh nghiệp, nhà đầu tư để có biện pháp ngăn chặn và xử lý.

Nguồn: ViMoney tổng hợp

Exit mobile version