Nhiều lo lắng về việc Sri Lanka có nguy cơ vỡ nợ trong năm nay do khủng hoảng tài chính diễn ra nghiêm trọng, trong khi đó lạm phát lên đỉnh.
Covid-19 khiến Sri Lanka kiệt quệ
Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế của Sri Lanka bị ảnh hưởng nặng nề. Chiến hơn 10% GDP cả nước, ngành du lịch Sri Lanka bị thất thu. Ngành du lịch, lữ hành bị ảnh hưởng khiến cho hơn 200.000 người không có kế sinh nhai. Trong khi đó, chi tiêu của chính phủ tăng, nguồn thuế thu giảm sút dẫn đến ngân sách của chính phủ bị giảm mạnh.
Lạm phát của đất nước này vào tháng 11/2021 tăng phi mã, đạt mức kỷ lục lên tới 11,1%. Nguyên nhân một phần do chính phủ in thêm tiền để trả các khoản nợ trong và nước ngoài. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, hơn nửa triệu người ở nước này rơi xuống dưới mức nghèo khó vì giá cả leo thang. Ngay cả việc chi tiêu thiết yếu cũng không thể chi trả.
Anh Anurudda Paranagama, một người sinh sống ở thủ đô Colombo đã phải làm 2 công việc nhưng cuộc sống thật sự chật vật. Gia đình anh đã phải giảm ăn xuống còn 2 bữa mỗi ngày chứ không phải 3 bữa như trước kia. Theo lời chia sẻ của anh, khu vực anh sinh sống, bột sữa và đậu được chia nhỏ và bán theo gói 100g. Bởi, không nhiều người có thẻ mua nổi gói lớn.
Còn anh Anushka Shanuka dù trước đại dịch là một người có mức sống tương đối thoải mái cũng phải than thở. Giá rau củ đã tăng tới hơn 50%. Và như lời anh thì “không thể sống như trước đại dịch”.
Sri Lanka ôm những khoản nợ “khủng”
Hãng tin Guardian đưa tin, trong 12 tháng tới, Sri Lanka phải thanh toán 7,3 tỷ USD khoản nợ trong nước cũng như nước ngoài. Đặc biệt, nước này còn đang có khoản nợ trái phiếu phải đáo hạn trong tháng 1 này, trị giá 500 triệu USD.
Tháng 9 năm ngoái, mặc dù ông Gotabaya Rajapaksa – Tổng thống Sri Lanka đã ban bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế nhưng dường như tình hình không được cải thiện nhiều. Theo đó, quân đội được trao quyền đảm bảo hàng hóa thiết yếu, giá bình ổn cho người dân.
Trong khi, lượng dự trữ ngoại hối của Sri Lanka đang rơi vào cảnh thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tính đến tháng 11/2021, nó chỉ đạt 1,6 tỷ USD. Đồng nghĩa với việc, bậc tín nhiệm của nước này bị các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh thấp xuống do lo ngại về khả năng trả nợ.
Năm mới, Tổng thống Rajapaksa phát biểu và bày tỏ mong muốn, hy vọng có thể phục hồi nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, những biện pháp cụ thể lại không được vị tổng thống này công bố nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra.
Trước tình hình ngày càng trở nên tồi tệ, mỗi ngày, người người xếp hàng dài trước văn phòng hộ chiếu đợi làm thủ tục xuất cảnh. Theo thống kê, cứ 4 người Sri Lanka thì một người nói muốn rời khỏi quốc gia này. Trong đó, những người muốn rời khỏi chủ yếu là thanh niên, người có học.
Theo cảnh báo của Cựu phó thống đốc ngân hàng trung ương WA Wijewardena, cuộc khủng hoảng tài chính sẽ trầm trọng hơn bởi sự đấu tranh của người dân. Cuộc sống của họ vì thế sẽ trở nên ngày càng khó khăn hơn.
Cát Anh (T/h)