NLG muốn huy động 1000 tỷ đồng trái phiếu – BID được dự báo lợi nhuận trước thuế 2022 tăng 42,4%

NLG muốn huy động 1000 tỷ đồng trái phiếu - BID được dự báo lợi nhuận trước thuế 2022 tăng 42,4%

Nam Long muốn chào bán tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu đầu tư dự án Waterpoint

HĐQT Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) vừa phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm với tổng giá trị tối đa 1.000 tỷ đồng và kỳ hạn tối đa 7 năm. 

Tài sản đảm bảo gồm cổ phần của Nam Long tại công ty con Nam Long VCD và công ty liên doanh NNH Mizuki. Lãi suất cố định hàng năm được tính toán bằng tổng lãi suất cơ bản cố định tính theo VNĐ cộng biên độ 3,5%/năm. Công ty thanh toán lãi trái phiếu định kỳ 6 tháng và gốc trái phiếu được chia đều 3 kỳ thanh toán vào mỗi năm thứ 3, 5 và 7.

Nguồn vốn thu được sẽ được dùng để tăng vốn đầu tư vào Nam Long VCD, qua đó phát triển dự án Waterpoint giai đoạn 2 (quy mô 190 ha, Long An) thuộc dự án khu đô thị tích hợp Waterpoint có tổng quy mô 355 ha được bao bọc bởi 5,8km sông Vàm Cỏ Đông.

Theo dự kiến, số trái phiếu trên sẽ được Nam Long chia thành hai đợt phát hành. Trong đó, đợt 1 diễn ra trong quý I, phát hành tối đa 700 tỷ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng  Đợt 2 diễn ra trong quý III, phát hành tối đa 500 tỷ đồng để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình hoặc đóng tiền sử dụng đất.

Tại thời điểm cuối năm ngoái, doanh nghiệp bất động sản có 23.717 tỷ đồng tài sản, tăng hơn 10.000 tỷ so với đầu năm. Hàng tồn kho gấp 2,6 lần đầu năm lên 15.489 tỷ đồng, chủ yếu tăng bất động sản dở dang. Riêng dự án Izumi là 7.170 tỷ đồng, Southgate 3.629 tỷ đồng, Paragon Đại Phước 1.714 tỷ và Waterpoint là 1.375 tỷ đồng. Vay nợ ngắn hạn từ 932 tỷ đồng lên 1.293 tỷ đồng, vay dài hạn từ 2.457 tỷ lên 3.608 tỷ đồng

BID: BIDV có thể lãi trước thuế 19,4 nghìn tỷ đồng năm 2022, kế hoạch tăng vốn thuận lợi hơn

Theo ước tính Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) sẽ đạt 19,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2022, tăng 42,4% so với cùng kỳ và tăng 25% so với ước tính trước đó chủ yếu do các chỉ số chất lượng tín dụng tốt hơn kỳ vọng tại thời điểm cuối năm 2021.


Theo đó, SSI Research điều chỉnh giảm ước tính chi phí tín dụng năm 2022 của BIDV xuống 1,76% từ 2,04%.
Các giả định chính khác nữa như tăng trưởng tín dụng ở mức 10% so với cùng kỳ, tương đương với hạn mức tăng trưởng tín dụng hiện hành; tăng trưởng tiền gửi ở mức 10,4%.


NIM giảm 12 bps do lãi suất huy động tăng nhẹ và cần duy trì hệ số LDR quanh mức hiện tại. NFI tăng 9% so với cùng kỳ, thấp hơn năm trước do thực hiện chương trình dịch vụ không thu phí và các chi phí phát sinh khi chuyển đổi thẻ chip.


Chi phí dự phòng ở mức 25 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,32%. Hệ số CIR tăng lên 35% do chi phí cho nhân viên và quản lý khôi phục về mức trước dịch Covid-19; và tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT và các dự án số hóa.


 BIDV vẫn giữ nguyên kế hoạch phát hành 8,5% cổ phiếu để tăng vốn. Ngân hàng cũng dự định phát hành trái phiếu chuyển đổi để cải thiện hệ số CAR. Nhìn lại, việc tăng 17,6% vốn chủ sở hữu vào cuối năm 2019 cũng chỉ giải tỏa nhu cầu vốn của BIDV trong 1-2 năm qua, vì vậy SSI Research tin rằng dù kế hoạch phát hành hoàn tất trong năm nay, nhu cầu vốn của Ngân hàng sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong dài hạn.

Exit mobile version