Nợ xấu là một thuật ngữ không còn xa lạ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Nhiều người vẫn chưa hiểu rõ cụ thể nợ xấu là gì? Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu khái niệm nợ xấu và người vay sẽ ảnh hưởng thế nào khi gặp tình trạng này.
Nợ xấu là gì?
Nợ xấu là gì? Nợ xấu có thể hiểu là các khoản nợ khó đòi, khi người vay không thể trả nợ khi đến hạn thanh toán đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Thời gian quá hạn thanh toán trên 90 ngày thì tính là nợ xấu.
Những người dính nợ xấu sẽ có tên trong danh sách khách hàng nợ xấu, thống kê trên hệ thống của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC).
Nợ xấu là gì? Các hình thức phân loại nợ xấu hiện nay
Thông thường, các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện phân loại nợ theo 05 nhóm, cụ thể:
- Nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn): Bao gồm 3 loại khác nhau, trong đó điển hình nhất là nợ trong hạn và nợ quá hạn dưới 10 ngày được xem là có khả năng thu hồi nợ đầy đủ cả gốc lẫn lãi đúng hạn.
- Nhóm 2 (nợ cần chú ý): Bao gồm 3 loại khác nhau, trong đó phổ biến nhất là nợ quá hạn trong khoảng từ 10 – 90 ngày và nợ đã được cơ cấu kỳ hạn trả nợ lần đầu.
- Nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn): Bao gồm 5 loại khác nhau, trong đó tiêu biểu nhất là nợ quá hạn trong khoảng từ 91 – 180 ngày và nợ đã được gia hạn lần đầu.
- Nhóm 4 (nợ nghi ngờ): Bao gồm 6 loại khác nhau, trong đó điển hình nhất là nợ quá hạn trong khoảng từ 181 – 360 ngày và nợ đã được điều chỉnh lại thời hạn trả nợ lần thứ hai.
- Nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn): Bao gồm 8 loại khác nhau, trong đó tiêu biểu nhất là nợ quá hạn trên 360 ngày và nợ đã được điều chỉnh lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên.
Nợ xấu là gì? Ảnh hưởng của nợ xấu
Sự phân loại các nhóm nợ đã phần nào thể hiện được các mức nợ xấu. Người vay khi có nợ xấu sẽ bị giới hạn về khả năng vay và một số những dịch vụ ngân hàng khác.
Những khách hàng được phân vào nhóm nợ 3, 4, 5 là những người đang dính nợ xấu trên mình. Do đó, tất cả các ngân hàng sẽ không hỗ trợ vay tiền dưới bất kỳ hình thức nào.
Đối với khách hàng thuộc nhóm 2, khả năng vay vốn sẽ thấp đi nhưng vẫn sẽ có một số ngân hàng cho vay hỗ trợ như: Standard Chartered,…
Khách hàng rơi vào nhóm 1 sẽ được xem xét theo tần suất trả quá hạn có thường xuyên hay không. Nếu khách hàng liên tục trả chậm hoặc tổ chức tín dụng đánh giá khả năng thanh toán không đảm bảo thì cũng có thể rơi vào nhóm nợ 2.
Tuy nhiên, ranh giới giữa các nhóm nợ cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ của từng khách hàng và sự đánh giá của tổ chức tín dụng đó.
Ngoài việc bị giới hạn hay không thể tiếp tục vay tại các ngân hàng, khách hàng dính nợ xấu cũng không được sử dụng thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, họ sẽ phải chờ 1 khoảng thời gian dài để xóa nợ xấu và rất khó khăn để được duyệt trong tương lai nếu khách hàng đó có nhu cầu vay.
Nợ xấu là gì? Khi nào người vay được xóa nợ xấu?
Người vay có thể được xem xét xóa nợ xấu khi rơi vào một trong những trường hợp sau đây:
Đối với các khoản vay dưới 10 triệu
Theo quy định, Ngân hàng Nhà nước đã ngừng cung cấp lịch sử tín dụng đối với các khoản vay quá hạn dưới 10 triệu đồng đã tất toán. Do đó, nếu có khoản vay nào dưới 10 triệu đồng đã tất toán, bạn không cần lo ngại về lịch sử nợ xấu tín dụng của mình.
Đối với các khoản vay trên 10 triệu
Với khoản vay trên 10 triệu đồng, tất cả các thông tin về lịch sử tín dụng sẽ được cập nhật định kỳ theo tháng. Thời gian xóa lịch sử nợ xấu sẽ tùy vào thời gian vay quá hạn và nhóm nợ của khách hàng. Cụ thể:
Nhóm 1: Đây là nhóm khách hàng và đủ điều kiện để vay lại sau khi quá hạn vay.
Nhóm 2: Sau khi khách hàng tất toán cả gốc lẫn lãi, sau 1 năm lịch sử nợ xấu sẽ được xóa (sau 1 năm khách hàng đủ điều kiện vay trở lại).
Từ nhóm 3 đến nhóm 5: Sau khi khách hàng đã tất toán cả gốc lẫn lãi, sau 5 năm lịch sử nợ xấu sẽ được xóa (sau 5 năm khách hàng đủ điều kiện vay trở lại).
Nợ xấu là gì? Làm gì để tránh rơi vào tình trạng nợ xấu?
Để tránh rơi vào tình trạng nợ xấu, gây khó khăn cho việc vay vốn trong tương lai, bạn có thể tham khảo một số phương pháp sau:
- Trước khi quyết định vay vốn, bạn nên đánh giá cẩn thận năng lực trả nợ của mình ở mức độ nào, đồng thời lên kế hoạch cụ thể cho quá trình thanh toán tiền vay, để tránh gặp phải những sự cố bất ngờ có thể xảy ra.
- Sử dụng tiền vốn vay vào những hoạt động hợp lý để giúp cho việc thanh toán nợ được nhanh chóng hơn.
- Có ý thức về thời hạn phải thanh toán nợ theo quy định.
- Trong trường hợp sự cố bất khả kháng, bạn hãy nhanh chóng liên hệ với nhân viên ngân hàng để có thể trao đổi và tìm ra phương án trả nợ tối ưu nhất.
Trên đây là những thông tin trả lời cho câu hỏi nợ xấu là gì. Hy vọng bạn đã có thêm kiến thức để giúp bản thân tránh khỏi tình trạng nợ xấu.