Nghiên cứu mới từ Nam Phi: Omicron có thể nhanh chóng đi đến hồi kết?

Khi biến thể mới Omicron bùng phát, Nam Phi nhanh chóng trở thành tâm điểm lo lắng của toàn cầu, nhưng giờ đây quốc gia này đang đón chào tín hiệu “bình thường mới”.

Tại Bệnh viện Steve Biko ở Pretoria, Nam Phi, các bác sĩ đã so sánh 466 bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 nhập viện kể từ giữa tháng 11/2021 với 3.976 bệnh nhân đã nhập viện trước đó. Trong nghiên cứu đăng trên Tạp chí Quốc tế về Bệnh Truyền nhiễm, các bác sĩ phát hiện ra:

– Tỷ lệ tử vong của các trường hợp nhập viện trong đợt dịch Omicron là 4,5%, so với 21,3% trước đó;

– Bệnh nhân Omicron được xuất viện sau trung bình 4 ngày, so với 8,8 ngày của bệnh nhân nhiễm Covid-19 giai đoạn đầu;

– Số ca nhập viện đạt đỉnh điểm là 108 trong đợt dịch Omicron, so với 213 trong đợt bùng phát Delta;

– Tuổi trung bình của bệnh nhân nhập viện là 39 tuổi, so với gần 50 tuổi ở các đợt dịch trước;

– Tỷ lệ nhập viện ICU giảm từ 4,3% xuống 1%.

Ngoài ra, dữ liệu do chính phủ Nam Phi công bố cho thấy đợt thứ tư ở nước này đã lên đến đỉnh điểm. Tổng số người chết do Omicron gây ra là khoảng 10.000 người, so với khoảng 110.000 người trong đợt dịch Delta.

Các nhà nghiên cứu cho biết Omicron đang lây lan với tốc độ chưa từng có, đạt đỉnh điểm chỉ trong 4 tuần và hiện đã giảm, điều này cũng làm cho các triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với các chủng trước đó.

Theo Financial Times, Richard Friedland, Giám đốc điều hành của Netcare, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân lớn nhất Nam Phi, cho biết, “Vấn đề quan trọng nhất cần rút ra chính là việc cần phải bóc tách giữa lây nhiễm cộng đồng – thường là tốc độ lây lan rất nhanh, với mức cấp độ trường hợp bệnh nặng phải nhập viện. Chúng tôi không phải dừng các ca phẫu thuật lựa chọn, không gặp phải sức ép về giường bệnh. Chúng tôi không bị quá tải năng lực xử lý chút nào trong làn sóng lây nhiễm thứ tư này.”

Theo các nhà nghiên cứu, nếu mô hình Nam Phi này diễn ra trên toàn cầu, tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong sẽ hoàn toàn tách biệt. Họ thậm chí cho rằng điều này có thể báo trước cái kết của đại dịch, tuy nhiên, kết luận này vẫn cần nhiều cơ quan nghiên cứu xác minh.

Tuy nhiên, kết quả có thể khác nhau đối với các quốc gia khác nhau và đối với những người có mức độ miễn dịch khác nhau.

Trung tâm kinh tế Gauteng của Nam Phi, tâm chấn ban đầu của đợt bùng phát Omicron, chứng kiến ​​số người tử vong đạt đỉnh chỉ vài tuần sau khi dịch bùng phát, thấp hơn nhiều so với mức trước đó. Tuy nhiên, Tom Moultrie, giáo sư chuyên ngành nhân chủng học tại Đại học Cape Town, cũng cho rằng chưa thể sớm áp dụng kinh nghiệm ở Nam Phi đối với các nước khác trên thế giới. 

Exit mobile version