“Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn và tham vọng chi 100 triệu USD lập hãng bay

Johnathan Hạnh Nguyễn và tham vọng lập hãng bay

Johnathan Hạnh Nguyễn và tham vọng lập hãng bay

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn lập hãng bay giữa lúc các hãng hàng không Việt lao đao khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc lập một hãng hàng không chở hàng lúc này là sự khôn ngoan và cửa đi rất sáng.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GTVT, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam nghiên cứu các dự án trọng điểm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG).

Chi 100 tỷ USD cho 45 dự án trọng điểm quốc gia

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương trước đó đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến đề án nghiên cứu triển khai 45 dự án trọng điểm tại Việt Nam. Thông qua văn bản, ông Hạnh Nguyễn cho biết, Tập đoàn đang cùng với các đối tác đầu tư Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các quốc gia khác tích cực làm việc với các tinh, thành phố và các bộ ngành liên quan để nghiên cứu triển khai 45 dự án trọng điểm. Các dự án được chia thành 5 lĩnh vực đầu tư.

Một là: Đầu tư trung tâm tài chính quy mô quốc tế và khu vực tại TP.HCM và TP.Đà Nẵng.

Hai là: Đầu tư các khu phi thuế quan IPPG đã được tỉnh Kiên Giang lựa chọn là Nhà đầu tư cho dự án Phi thuế quan Phú Quốc (thông qua đấu thầu). Công ty cũng đang xúc tiến làm quy hoạch tại Khu kinh tế Vân Phong – Khánh Hòa, TP.Đà Nẵng, Quảng Ninh, TP.Cần Thơ để hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật và nghiên cứu các cơ chế hoạt động cần thiết để có thể sớm đưa mô hình kinh doanh này tại Việt Nam.

Ba là: Đầu tư phát triển các Thành phố sân bay: IPPG đã làm việc với TP.Phú Quốc – Kiên Giang, Cam Ranh – Khánh Hòa, huyện Long Thành – Đồng Nai, TP.Cần Thơ, Nội Bài – Hà Nội đề xuất cụ thể ý tưởng quy hoạch, đầu tư phát triển các Thành phố sân bay tại đây.

Bốn là: Đầu tư phát triển các Khu đô thị thông minh, nghỉ dưỡng và sức khỏe cộng đồng. Để đảm bảo tính đồng bộ, các dự án này được đầu tư phát triển cùng các Trung tâm tài chính, khu phi thuế quan nêu trên.

Năm là: Thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo và hệ thống kho hàng phân phối trung tâm hậu cần Bellazio Logistics.

Nói về đề án này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ: “Đây là đề án tâm huyết đã được chúng tôi nghiên cứu từ cách nay cả thập kỷ, có tầm nhìn 20 – 25 năm tới với mục tiêu đồng hành cùng chủ trương của Đảng, Chính phủ, phấn đấu đến 2030, Việt Nam là nước phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Cùng đồng hành đầu tư với IPPG là các doanh nghiệp hàng đầu quốc tế trong lĩnh vực tài chính, du lịch, khách sạn, casino, hoạt động kinh doanh phi thuế quan và các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Chúng tôi cam kết có thể thực hiện được các kế hoạch đầu tư các dự án nêu trên và hỗ trợ vốn đầu tư công cho các tỉnh thành với dự kiến tổng vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỉ USD”.

Được biết, hồi tháng 6/2021, Công ty cổ phần IPP Air Cargo do ông Nguyễn Hạnh làm Chủ tịch đã đề nghị Bộ GTVT xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo. Dự án này do CTCP IPP Air Cargo làm chủ đầu tư và có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết thêm, IPP Air Cargo có kế hoạch ký biên bản ghi nhớ mua 10 máy bay B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỉ USD với Tập đoàn Boeing, Mỹ.

Ông Hạnh Nguyễn cho biết IPP Air Cargo có kế hoạch mua 10 máy bay B777 Freighter.

Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng và sẽ tăng dần lên 7 chiếc vào năm thứ 2, và 10 chiếc vào năm thứ 3.

Tuy nhiên vào tháng 7/2021, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản trả lời về việc lập hãng hàng không IPP Air Cargo.

Thời điểm đó, theo lãnh đạo Cục Hàng không, việc chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hóa cũng là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung/cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đơn vị này sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, ảnh hưởng của dịch bệnh và báo cáo Bộ GTVT về khả năng thành lập hãng hàng không mới cho giai đoạn sau năm 2022, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Triển vọng mới

Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã đưa ra những con số cho thấy, năm 2020 vận tải hàng không thế giới thiệt hại gần 118,5 tỷ USD. Còn năm nay, ước tính sản lượng hành khách sẽ chỉ đạt 33% so với năm 2019. Tổng mức lỗ là 95 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2022 các hãng hàng không mới hết lỗ.

Riêng ở Việt Nam, năm 2020, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không chỉ 66 triệu lượt và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm tương ứng 43,4% về hành khách và 15,6% về hàng hóa so với năm 2019. Cho đến năm nay, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu, lỗ trên 15.000 tỷ đồng.

Thực tế, khi Covid-19 lây lan, số lượng khách đi máy bay sụt giảm mạnh. Máy bay “nằm đất” chiếm số lượng lớn. Các hãng đã “bẻ lái” chuyển sang chở hàng hóa trên khoang khách ở trong nước và đi quốc tế. Và đây được cho là giải pháp hiệu quả, đóng góp một phần doanh thu cho giải pháp kinh doanh.

Dự án thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có cơ hội và “đất diễn”. Chưa kể, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn đang là “cha đẻ” của tập đoàn kinh doanh bán lẻ hàng hiệu quốc tế lớn nhất tại Việt Nam.

Phía lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, nếu Việt Nam có một hãng bay chở hàng thì cũng hợp lí. Khi mà hiện nay ở Việt Nam chưa có hãng hàng không chuyên biệt về chở hàng hóa, các hãng đang hoạt động đều tập trung cho vận tải hành khách. Trong khi đó, hầu hết thị phần vận tải hàng hóa qua đường hàng không quốc tế của Việt Nam đang do hãng nước ngoài khai thác.

Theo phân tích của một chuyên gia vận tải hàng không, hãng bay chở hàng trên thế giới rất phổ biến. Các hãng hàng không Việt đang khai thác song song giữa chở khách và chở hàng. Tuy nhiên, đều đặt mục tiêu chở khách thương mại để kiếm lợi nhuận là số một.

Hoạt động khai thác vận tải hàng chỉ được đẩy mạnh khi bùng phát dịch Covid-19 nhằm tận dụng nguồn lực có sẵn, đặc biệt là đội tàu bay “nhàn rỗi” khi không thể kiếm tiền từ vận tải hành khách. Bởi vậy, vị này cho rằng việc lập một hãng hàng không chở hàng lúc này là khôn ngoan và cửa đi rất sáng.

Vị này nói thêm, khó khăn lớn nhất với các hãng khai thác chở hàng hóa bằng đường hàng không là việc thu nhận, tìm nguồn hàng ở hai đầu sân bay đi và đến, đảm bảo tỷ lệ lấp đầy hàng hóa ở cả 2 chiều.

Exit mobile version