Ông Phạm Như Ánh làm tân Tổng giám đốc MB

Ông Phạm Như Ánh làm tân Tổng giám đốc MB

Từ 18/5, ông Phạm Như Ánh chính thức trở thành Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội.

Vài nét về ông Phạm Như Ánh – tân Tổng giám đốc MB

Sau khi ông Lưu Trung Thái được bầu làm Chủ tịch HĐQT, từ hôm 12/4, cùng thời điểm đó, ông Phạm Như Ánh được HĐQT MB giao giữ chức danh Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành MB, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng giám đốc.

Ông Phạm Như Ánh (SN 1980). Theo giới thiệu, ông tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh – Viện Quản trị kinh doanh UBI – Bỉ và là cử nhân Kinh tế chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Đà Nẵng.

Ông Ánh có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng. Tại MB, ông Ánh từng đảm nhiệm nhiều vị trí chuyên môn và quản lý của ngân hàng, có thể kể đến như Giám đốc chi nhánh, Giám đốc khối, Thành viên Ban điều hành…

Những vấn đề ở cuộc họp ĐHĐCĐ MB năm 2023

Sáng 25/4 diễn ra phiên họp cổ đông thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Quân đội. Một số vấn đề được cổ đông của ngân hàng quan tâm như: Nợ xấu của công ty tài chính MCredit, trái phiếu của Novaland, sáp nhập ngân hàng…

Trả lời câu hỏi “Liệu nợ xấu của MCredit có tăng mạnh và ảnh hưởng tới tập đoàn?” của cổ đông, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho hay, định hướng của MCredit là chiến lược thu hồi nợ nhân văn.

“Hiện số nhân sự thu hồi nợ hơn 1.000 người, trong đó có 600 cộng tác viên. Chúng tôi không ủng hộ thu hồi nợ theo các đơn vị bên ngoài. Khi thị trường khó khăn, những doanh nghiệp có văn hóa độc đáo, cam kết về chất lượng thì sẽ tiến xa hơn”, ông nói đồng thời nhấn mạnh, thời gian qua, những kết quả đạt được đã chứng minh hướng đi đúng đắn của ngân hàng.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB

Với biên lãi ròng (NIM) của MCredit đạt 21,1%, dẫn đầu ngành tài chính tiêu dùng, công ty nằm trong top 2 về lợi nhuận chỉ sau Home Credit, đạt 1.200 tỷ đồng. Nợ xấu của doanh nghiệp dưới 6%.

Về vấn đề trái phiếu, theo quan điểm của nhiều cổ đông, MB hiện giữ quá nhiều trái phiếu bất động sản, đó được đánh giá là rủi ro đối với ngân hàng. Theo yêu cầu của các cổ đông, HĐQT ngân hàng cần chỉ rõ quy mô cho vay và trái phiếu của Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam và định hướng tiếp theo khi nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn đang có vấn đề.

Liên quan đến Hưng Thịnh, lãnh đạo MB cho biết ngân hàng không cho vay dự án, không sở hữu trái phiếu, chỉ có một chút cho vay về lĩnh vực xây lắp. Trong khi ở phía Trung Nam, cho vay và trái phiếu đang được hấp thụ vào dự án điện mặt trời. Hiện doanh nghiệp đó vẫn trả nợ đủ, không có nợ xấu trong năm nay và các năm tiếp theo.

Với Novaland, theo lãnh đạo ngân hàng, doanh nghiệp là đối tác bất động sản lớn với nhiều bên. MB có cho vay và tham gia phát hành trái phiếu cho Novaland. Đến nay, số dư trái phiếu doanh nghiệp của Novaland đã giảm khá lớn, không còn nhiều như đầu năm.

Exit mobile version