Tác động của việc OPEC+ giảm sản xuất 2 triệu thùng dầu/ngày

Tác động của việc OPEC+ giảm sản xuất 2 triệu thùng dầu/ngày

Kể từ tháng 11, OPEC+ sẽ giảm sản xuất dầu ở mức lớn nhất, lên tới 2 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Quyết định gây “chấn động” của OPEC+

Trong cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vừa diễn ra, đại diện các quốc gia thông tin với báo giới rằng, kể từ tháng 11, nhóm này sẽ giảm sản xuất thêm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Kể từ tháng 4/2020, đây là mức giảm lớn nhất. 

Giới phân tích cho rằng, điều này dường như thể hiện ý định giữ giá ở mức cao sau khi đã trải qua 7 năm giá thấp của OPEC+ có ý định.

Do tác động từ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine mà trong 6 tháng đầu năm, giá dầu thô từng tăng vọt lên mức trên 100 USD/thùng. Tuy nhiên, 4 tháng qua, giá dầu thô đã giảm tới 32% do lo ngại về kinh tế toàn cầu. Lần đầu tiên kể từ tháng 1, có thời điểm giá dầu thô Brent xuống dưới 83 USD/thùng .

Tháng trước, OPEC+ đã thống nhất giảm 100.000 thùng một ngày trong tháng 10. Còn đây là tháng thứ 2 liên tiếp OPEC+ giảm sản xuất.

Quyết định của OPEC+ gây ảnh hưởng như thế nào?

Các thành viên OPEC+ trước cuộc họp cho biết, quyết định này sẽ gây ra sự phản ứng với tình hình kinh tế toàn cầu, nhất là với Trung Quốc. Nhu cầu dầu tại đây đang bị kìm hãm bởi chiến dịch phong tỏa ngăn Covid-19.

Quyết định về việc giảm sản xuất dầu đã phủ bóng lên kế hoạch áp trần giá bán dầu Nga của các nước G7. Cùng với đó, nó cũng xóa tan kỳ vọng về việc OPEC+ có khả năng tăng cung mạnh sau nhiều tháng nỗ lực ngoại giao của Mỹ. 

Cụ thể, nhà phân tích năng lượng tại Rapidan Energy Group – Bob McNally cho biết: “Mục đích cắt sản lượng của OPEC+ là để ngăn đà giảm giá của dầu thô kể từ mùa hè. Nếu họ thành công, giá xăng cũng sẽ ngừng giảm và dao động quanh mức hiện tại, cho đến khi bị tác động bởi các tác nhân thị trường khác”. 

Thêm nữa, động thái của OPEC+ còn có thể tăng thêm áp lực lạm phát ở Mỹ và châu Âu. 

Chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm đến Saudi Arabia – quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong OPEC thì quyết định này được đưa ra.

Nhà Trắng đã có phản ứng gay gắt. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese trong một tuyên bố chung cho biết, Tổng thống “rất thất vọng trước quyết định thiển cận của OPEC+” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phải đối phó với ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột Ukraine.

Chưa hết, việc cắt giảm 2 triệu thùng dầu của OPEC+ có thể sẽ gây ra hậu quả chính trị đáng kể ở Mỹ. Bởi, chỉ hơn một tháng nữa sẽ diễn ra các cuộc bầu cử giữa kỳ.

Trong khi đó, theo các nhà phân tích, việc giảm sản xuất lại là thắng lợi đối với Nga – một thành viên của OPEC+. Mặc dù sản xuất dầu của Nga đã giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày sau khi nổ ra chiến sự tại Ukraine. Thêm vào đó là lệnh EU cấm nhập dầu Nga có hiệu lực từ ngày 5/12. Nhưng việc OPEC+ giảm sản xuất góp phần hạn chế Nga mất thị phần trên toàn cầu.

Exit mobile version