Huy động hơn 1.500 tỷ đồng, PAN muốn thâu tóm thêm nhiều công ty

Huy động hơn 1.500 tỷ đồng, PAN muốn thâu tóm thêm nhiều công ty

PAN sẽ góp thêm vốn để tăng tỷ lệ sở hữu, thâu tóm thêm nhiều công ty trong lĩnh vực nông, thủy sản.

PAN huy động vốn, muốn thâu tóm thêm nhiều công ty

Phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vừa được Hội đồng quản trị Tập đoàn PAN thông qua. Doanh nghiệp này sẽ phát hành thêm gần 83,6 triệu cổ phiếu, đồng thời chào bán hơn 104,4 triệu cổ phiếu.

Đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu PAN dự kiến thu về hơn 1.566,7 tỷ đồng. 55 tỷ đồng trong tổng số tiền thu được sẽ được ưu tiên để đầu tư hạ tầng mở rộng sản xuất kinh doanh vào Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF).

PAN cũng dùng 825 tỷ đồng, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu của mình tại các công ty thành viên, gồm có Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFG), Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed – NSC), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT), Công ty cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang…

Dự kiến, PAN sẽ thâu tóm toàn bộ công ty thủy sản ABT có quy mô trung bình trong ngành và công ty 584 Nha Trang – đơn vị đang sở hữu thương hiệu nước mắm cá cơm cùng tên. Dự kiến thực hiện trong thời gian từ quý III/2022 đến quý III/2025.

Theo đánh giá của ban lãnh đạo PAN thì đây là các công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả cũng như có kế hoạch tăng trưởng tốt. Ngoài ra, theo ban lãnh đạo của doanh nghiệp này, việc tăng tỷ lệ sở hữu góp phần tạo điều kiện trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho từng công ty nói trên thông qua hoạt động chuyển nhượng vốn hoặc phát hành mới.

Với nguồn vốn 400 tỷ đồng, PAN sẽ đầu tư M&A các công ty mới hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm. Đây là kế hoạch kỳ vọng sẽ mở rộng quy mô kinh doanh, đồng thời hoàn thiện chuỗi giá trị của doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên.

PAN sẽ tối ưu hóa nguồn vốn bằng việc đầu tư 100 tỷ đồng trong ngắn và trung hạn. Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ chọn các sản phẩm an toàn với mức lãi suất cố định trên thị trường vốn và thị trường tiền tệ.

Để trả nợ cho Vietcombank, PAN trích ra trong đợt huy động này hơn 186,7 tỷ đồng. Mức lãi suất của khoản nợ trên là 4-4,5% một năm. Thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 3, PAN đang vay ngân hàng khoảng 4.575 tỷ đồng và 1.135 tỷ đồng trái phiếu.

Hoạt động kinh doanh quý I/2022 khởi sắc

Hoạt động M&A được PAN thực hiện trước đó bằng việc chi hơn 524 tỷ đồng, nâng sở hữu tại hãng bánh kẹo Bibica lên 98,3%. Khi tham gia vào ngành thực phẩm, đây được đánh giá là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược từ nông trại đến bàn ăn (3F) của PAN.

Tập đoàn PAN trong quý đầu năm 2022 đã lãi đột biến với mức lợi nhuận sau thuế cao gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 170 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn này đã hoàn thành gần một phần tư kế hoạch kinh doanh của cả năm.

Việc hợp nhất công ty con VFG sau khi đạt được quyền kiểm soát từ cuối năm 2021 đã góp phần không nhỏ vào mức tăng trưởng này. Chưa kể, doanh nghiệp đã triển khai tái cơ cấu tài sản cố định tại đơn vị thành viên. Việc này đã giúp cho Bibica đóng góp mức lợi nhuận lớn.

Exit mobile version