Giải quyết điểm nghẽn, giúp người lao động mua nhà ở xã hội

Giải quyết điểm nghẽn, giúp người lao động mua nhà ở xã hội

Tình trạng đủ điều kiện “thu nhập thấp” để mua nhà ở xã hội nhưng lại không trả nổi nợ vay là một trong những điểm nghẽn cần giải quyết.

Nghịch lý giữa “đủ điều kiện mua” và “khả năng trả nợ” khi mua nhà ở xã hội

Đối với người lao động thu nhập thấp, nhà ở xã hội là giải pháp duy nhất giúp họ có nơi an cư lạc nghiệp. Vấn đề này thời gian gần đây được Chính phủ đặc biệt chú trọng, thể hiện ở đề án xây dựng hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội cũng như nhiều chính sách về vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, đối với người lao động thu nhập thấp, điều kiện được mua, lãi suất ưu đãi dường như vẫn chưa phù hợp với thực tế và họ rất khó trong việc tiếp cận.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và VnExpress đã cùng nhau thực hiện một khảo sát trên 8.343 người lao động. Kết quả cho thấy, 39% trong số đó nói rằng, điều kiện để mua nhà ở xã hội chính là rào cản lớn nhất.

Những lao động có nhà ở quê (đặc biệt là nông thôn, vùng sâu, xa) muốn di cư, lập nghiệp ở địa phương đang làm việc sẽ gặp khó khăn với quy định “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình”.

Chưa hết, để đủ điều kiện mua nhà xã hội còn cần đáp ứng được là “người thu nhập thấp”. Để là người thu nhập thấp, ở các thành phố lớn, thu nhập của các thành viên trong gia đình cần thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (không quá 11 triệu đồng/tháng). Thế nhưng, chuyên gia cho rằng, đây là quy định đã lỗi thời khi mà vật giá hay chi phí sinh hoạt đều tăng chóng mặt.

Trở ngại vẫn chưa hết. Khi vượt qua được “điều kiện mua”, người thu nhập thấp lại đối mặt với khoản lãi vay.

Mới đây, Nhà nước tung ra gói 120.000 tỷ cho người mua nhà xã hội với lãi suất vay ưu đãi 8,2%. Kết quả sau 2 tháng triển khai theo Ngân hàng Nhà nước thông tin cho thấy, gói này chưa phát sinh dư nợ. Nói cách khác, chưa có người dân nào sử dụng quyền lợi được vay ưu đãi.

Lý do ngoài vì nguồn cung nhà ở xã hội khan hiếm, thì vấn đề được đặt ra là những người đủ điều kiện mua nhà gần như không có khả năng chi trả.

Hiệp hội doanh nghiệp tại các thành phố đông lao động như Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM thực hiện khảo sát cho thấy, giá nhà hiện khoảng 20-30 triệu đồng/m2. Như vậy, để sở hữu một căn hộ 39 m2, người dân sẽ mất tới 900 triệu đồng.

Theo quy định, người lao động thu nhập thấp 11 triệu đồng/tháng sẽ được mua nhà. Nếu trả 20% phần tiền ban đầu, họ sẽ được vay 720 triệu đồng nằm trong gói 120.000 tỷ với mức lãi suất 8,2% trong 20 năm. Như vậy mỗi tháng họ sẽ phải trả hơn 6 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Số tiền này là hơn một nửa thu nhập. Người lao động như vậy sẽ đủ điều kiện mua nhưng lại không có khả năng trả nợ.

Đối với mức lãi suất ưu đãi 4,8% tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với nhiều người lao động cũng đang là quá sức. Tiếp tục bài toán trên, mỗi tháng người mua sẽ trả cả gốc lẫn lãi 4,75 triệu đồng. Nghe chừng giảm hơn nhưng cũng chỉ phù hợp trong điều kiện người mua không có người phụ thuộc suốt quá trình trả nợ.

Một quy định khác là để được vay ưu đãi phải gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội tối thiểu 12 tháng với mức gửi theo quy định. Điều này dường như không thực tế bởi người lao động không có nhiều khoản dôi dư.

Trong khảo sát trên, 32% người lao động đánh giá khó có được suất mua nhà; 27% cho rằng gặp trở ngại trong chuẩn bị giấy tờ chứng minh và 14% nói khó tiếp cận vốn vay.

Giải quyết điểm nghẽn

Nhiều đề xuất được đưa ra để tập trung giải quyết một số điểm nghẽn. Cụ thể như sau:

Cải thiện quy trình, hồ sơ, điều kiện cho vay mua nhà – những rào cản lớn nhất theo phản ánh của người lao động. Tìm giải pháp sàng lọc người mua, thuê, tránh tình trạng người giàu nhờ đứng tên sau đó tìm cách trục lợi.

Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà (Bộ Xây dựng) – ông Hà Quang Hưng cho biết, cơ quan này đang tiến hành xây dựng cổng thông tin về đối tượng đủ điều kiện được mua nhà. Các địa phương sẽ đăng tải danh sách này sau khi xác định được đối tượng đủ điều kiện mua.

Ông cho hay, việc thực hiện Chính phủ điện tử, tích hợp căn cước công dân thì các thông tin về người mua sẽ rõ ràng trên cổng.

Trong khi với câu chuyện lãi suất, theo kiến nghị của Ban IV lên Thủ tướng thì cần mở rộng đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân thành cho “người lao động thuộc diện thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp”; Cùng với đó là giảm mạnh lãi suất cho vay, áp dụng cho mọi đối tượng lao động mua nhà trong chương trình.

Được biết, hiện chỉ ai thuộc “đối tượng chính sách xã hội” mới được tiếp cận vay với lãi suất thấp tại các Ngân hàng chính sách xã hội, công nhân vẫn đang phải vay với lãi suất thông thường của ngân hàng thương mại.

Giải pháp thứ ba liên quan đến nguồn cung nhà. Nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn rất nhỏ giọt. Nguyên nhân đến từ việc doanh nghiệp không mặn mà bởi thủ tục đầu tư phức tạp, cơ chế hỗ trợ chưa hiệu quả mà lợi nhuận chỉ bằng khoảng 10% so với nhà ở thương mại.

Theo chuyên gia, phải tăng được số dự án nhà ở xã hội mới đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhờ vậy mới giảm được các vấn đề tiêu cực như cò mồi, thổi giá, tiền chênh trong phân phối nhà.

Nhiều đề xuất nói rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đánh giá nhu cầu nhà xã hội theo từng địa phương. Theo đó, sẽ ưu tiên nơi tập trung đông lao động, từ đó phân bổ chỉ tiêu phát triển dự án một cách hợp lý đi kèm với cơ chế, chính sách đặc thù trong trường hợp cần thiết.

Một giải pháp nữa được đưa ra là Chính phủ có thể cùng với doanh nghiệp hỗ trợ người dân mua nhà. Bên cạnh xác nhận thu nhập, doanh nghiệp còn có thể trả tiền gốc và lãi hàng tháng thay người lao động, tương tự cách đóng bảo hiểm xã hội hiện nay.

Thậm chí, một số doanh nghiệp có thể bổ sung thêm cơ chế “hỗ trợ một phần tiền”, thực hành chính sách chăm lo đời sống cán bộ nhân viên để giữ chân người lao động.

Exit mobile version