Phân tích kỹ thuật 16/03/2022: Xu hướng vẫn chưa rõ ràng

Sau phiên giảm mạnh trước đó, VN-Index có sự hồi phục nhẹ trở lại. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch lại sụt giảm và nằm dưới đường trung bình 20 ngày gần nhất. Việc khối ngoại liên tục bán ròng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.

THỊ TRƯỜNG NGÀY 15/03/2022

– Các chỉ số thị trường cùng tăng điểm trong phiên ngày 15/03/2022. Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0.45%, lên mức 1,452.74 điểm; HNX-Index tăng 1.59%, đạt mức 443.52 điểm.

– Khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt gần 642 triệu đơn vị, giảm 21.36% so với phiên giao dịch trước. Khối lượng khớp lệnh trên HNX giảm 22.94%, đạt gần 126 triệu đơn vị.

– Khối ngoại bán ròng trên sàn HOSE với giá trị hơn 433 tỷ đồng, bán ròng trên sàn HNX với giá trị hơn 3 tỷ đồng.

– Sau phiên giảm mạnh trước đó, thị trường chứng khoán bước vào phiên giao dịch ngày 15/03/2022 tương đối cân bằng. VN-Index mở cửa và giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu. Tuy chỉ số có nới rộng thêm đà giảm khi về cuối phiên sáng, nhưng mức giảm là không đáng kể. Trước khi bước vào giờ nghỉ trưa, VN-Index chỉ giảm nhẹ 4.69 điểm. Bước sang phiên chiều, thị trường bắt đầu tích cực trở lại và nhanh chóng lấy lại sắc xanh. VN-Index tiếp tục giao dịch giằng co với biên độ hẹp trong khoản thời gian còn lại và kết phiên với mức tăng 6.49 điểm, tiến lên mức 1,452.74 điểm.

– VN30-Index kết phiên tăng 7.79 điểm (+0.53%), tiến lên mức 1,468.89 điểm. Bên mua chiến ưu thế lớn trong rổ VN30 với 18 mã tăng, 8 mã giảm và 4 mã đứng giá. Trong đó, POW và PNJ là hai cổ phiếu tăng giá mạnh nhất với mức tăng lần lượt ở mức 4.8% và 4.5%. Theo sau là sắc xanh của các mã MSN, VPB, VJC và BID. Ở chiều ngược lại, VCB, SAB và PDR là những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất rổ.

– Về mức độ ảnh hưởng, MSN, BID, VPB và GAS là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index khi góp gần 5 điểm tăng cho chỉ số này. Ở chiều ngược lại, VCB là nguyên nhân chính kìm hãm đà tăng của chỉ số khi lấy đi gần 4 điểm.

– Nhóm cổ phiếu thủy sản có phiên giao dịch tích cực, khi tăng 2.92% và là ngành tăng mạnh nhất thị trường trong phiên. Trong đó, VHC leo dốc 5.46%, IDI tăng 4.52%, CMX tiến tốt 1.59%. Theo VASEP, sau khi tăng 44% đạt 872 triệu USD trong tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang tháng 02/2022 tiếp tục đà tăng trưởng mạnh với mức tăng đột phá 62% ước đạt 635 triệu USD. Theo đó, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã chạm mốc 1.5 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. VASEP dự báo xuất khẩu những tháng tới tiếp tục đà tăng trưởng khả quan vì nhu cầu từ các thị trường đang mạnh.

– Một loạt doanh nghiệp thép lại điều chỉnh tăng giá bán từ hôm nay (15/03/2022). Lý do được các bên đưa ra là giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng. Đây là lần tăng giá thứ hai trong một tuần qua và đưa giá thép tại một số doanh nghiệp vượt 19 triệu đồng. Điều này giúp giá cổ phiếu HPG, POM, VIS phục hồi nhẹ gần 1%.

– Sau phiên giảm mạnh trước đó, VN-Index có sự hồi phục nhẹ trở lại. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch lại sụt giảm và nằm dưới đường trung bình 20 ngày gần nhất. Việc khối ngoại liên tục bán ròng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Thống kê giao dịch ngày 15/03/2022

Phân tích kỹ thuật

Phân tích Xu hướng và Dao động giá

VN-Index – Đà giảm liệu đã chấm dứt?

Áp lực điều chỉnh phần nào đã được giảm thiểu trong phiên giao dịch ngày 15/03/2022 với việc VN-Index hồi phục trở lại. Tác động tích cực này đồng nghĩa với mẫu hình Head and Shoulders chưa được hình thành.

Tuy nhiên, chỉ số vẫn đang ở giai đoạn “mong manh” khi chỉ số đang ở ngay trên đường neckline của mẫu hình.

Thêm vào đó, khối lượng giao dịch lại rơi xuống dưới mức trung bình 20 ngày. Điều này phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước viễn cảnh chưa thể xác định của VN-Index.

HNX-Index – Gặp khó tại vùng 440-450 điểm

Trong phiên giao dịch ngày 15/03/2022, HNX-Index tăng khá mạnh và test vùng kháng cự khó chịu 440-450 điểm (tương đương ngưỡng Fibonacci Retracement 23.6%). Chỉ số cần chinh phục hoàn toàn vùng này để đà tăng được củng cố.

Tuy nhiên, chỉ báo MACD và chỉ báo Stochastic Oscillator tiếp tục lao dốc, qua đó báo hiệu rủi ro tiếp tục điều chỉnh của HNX-Index vẫn còn.

Hơn thế nữa, khối lượng đã có lần đầu tiên sau hơn 3 tuần giao dịch sụt giảm dưới mức trung bình 20 ngày, qua đó cho thấy dòng tiền đang có dấu hiệu yếu đi.

Phân tích Dòng tiền

Biến động của dòng tiền thông minh: Chỉ báo Negative Volume Index của VN-Index duy trì dưới đường EMA 20 ngày. Nếu trạng thái này tiếp tục trong phiên tới thì rủi ro sụt giảm bất ngờ (thrust down) sẽ gia tăng.

Biến động của dòng tiền từ khối ngoại: Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong phiên giao dịch ngày 15/03/2022. Nếu nhà đầu tư nước ngoài duy trì hành động này trong những phiên tới thì tình hình sẽ bi quan hơn.

TUYÊN BỐ TỪ CHỐI TRÁCH NHIỆM: Các quan điểm và ý kiến ​​được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và không cấu thành lời khuyên về đầu tư.

Nguồn: ViMoney tổng hợp

Exit mobile version