Phục hồi toàn cầu thúc đẩy tăng trưởng sản lượng ngành logistics

ViMoney - Phục hồi toàn cầu thúc đẩy tăng trưởng sản lượng ngành logistics

Theo Báo cáo triển vọng ngành logitics 6 tháng cuối năm 2021, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo tăng trưởng kinh tế cao của các nền kinh tế phát triển sẽ hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Giá trị xuất nhập khẩu phục hồi

Tổng kim ngạch XNK của Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 tăng 21% so với cùng kỳ. Kể từ tháng 8/2020, tổng giá trị giao dịch hàng tháng duy trì trên 50 tỷ USD. Mặc dù hai phương thức vận tải chính đối với hàng hóa XNK (đường biển và đường hàng không) đều đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, giá trị luỹ kế nửa đầu năm của hàng hoá vận chuyển qua đường biển (157 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ) tăng trưởng vượt trội hơn so với đường hàng không (89 tỷ USD, tăng 21%).

Giá trị thương mại của nhóm hàng vận chuyển đường biển 6 tháng đầu năm 2021 chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của máy móc (26 tỷ USD, tăng 49%), sản phẩm gỗ (8 tỷ USD, tăng 60%), giày dép (10 tỷ USD, tăng 28%), trong khi dệt may (13 tỷ USD, tăng 13%), hàng may mặc (6 tỷ USD, tăng 27%) và thủy sản (34 tỷ USD, tăng 15%) có tăng trưởng ở mức vừa phải dù có mức nền thấp của năm ngoái. Tuy nhiên, VDSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của nhóm này sẽ tiến triển tốt hơn trong nửa cuối năm 2021 khi nền kinh tế của các đối tác thương mại chính phục hồi.

Duy trì triển vọng lạc quan

VDSC dự báo tăng trưởng kinh tế cao của các nền kinh tế phát triển sẽ hỗ trợ hoạt động XNK của Việt Nam. Tăng trưởng GDP toàn cầu hiện dự kiến là 5.8% trong năm 2021 (từ mức 4.2% trước đây), được dẫn dắt bởi các nền kinh tế phát triển – cũng là đối tác thương mại chính của Việt Nam – sau khi các chiến dịch tiêm chủng vắc xin đã giúp họ mở cửa nền kinh tế trở lại.

VDSC tin rằng điều này sẽ hỗ trợ cho các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ đó dẫn dắt tăng trưởng lưu lượng hàng hóa thông qua các sân bay và cảng biển trong tương lai.

Ngoài ra, vai trò của cảng nước sâu trong hệ thống cảng biển Việt Nam ngày càng quan trọng khi có càng nhiều hãng tàu ưu tiên cho các cảng nước sâu. Không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của các hãng tàu, các cảng nước sâu cũng đáp ứng hoàn hảo cho các tuyến vận tải kết nối Việt Nam với các đối tác thương mại quan trọng. Trên thực tế, thị phần của các cảng nước sâu và số tuyến vận tải đường dài ngày càng tăng tại Việt Nam.

Bất chấp rủi ro ngắn hạn về gián đoạn sản lượng sản xuất, VDSC tin rằng tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển Việt Nam vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số 15% và 14% trong năm 2021 và 2022 nhờ kỳ vọng rằng tỷ lệ tiêm vắc xin có thể tăng đáng kể trong những tháng tới (thực tế các lô vắc xin mới vềViệt Nam gần như hàng tuần) và hoàn thành lộ trình tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối quý 1/2022. Điều này cũng sẽ thúc đẩy triển vọng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam đang diễn ra.

Sản lượng vận tải hàng không tiếp nối xu hướng tăng

Theo VDSC, lưu lượng hàng hóa quốc tế qua đường hàng không trong 6 tháng đầu năm 2021 đã nhanh chóng phục hồi từ mức thấp của năm ngoái, tăng 22% so với cùng kỳ. 

Dường như tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu chưa ảnh hưởng lớn đến thông lượng hàng hóa XNK qua các sân bay trong nửa đầu năm 2021, nhưng vấn đề này có thể sẽ là thách thức chính đối với ngành này trong thời gian tới. Cuộc khủng hoảng nguồn cung bán dẫn có thể kéo dài đến quý 2/2022, gây rủi ro cho hoạt động sản xuất điện thoại di động và nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam. Trên thực tế, các công ty bán dẫn Đài Loan đang chuyển hướng sang sản xuất chip cho ô tô, dẫn đến các thiết bị điện tử khác như điện thoại di động có thể gặp phải vấn đề thiếu chip.

Trong dài hạn, VDSC kỳ vọng rằng 2 yếu tố thúc đẩy triển vọng hàng hóa hàng không – các hoạt động thương mại và hoạt động công nghiệp – sẽ sớm cải thiện dựa trên kỳ vọng các nền kinh tế sẽ mở cửa sau khi triển khai vắc xin toàn cầu. Theo ước tính của WTO, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới dự kiến sẽ tăng 8.0% vào năm 2021. Ngoài ra, giá cước vận tải container liên tục tăng đang giúp cho giá cước vận tải hàng hóa bằng đường hàng không trở nên rẻ hơn tương đối so với vận chuyển bằng đường biển. Điều này củng cố thêm lợi thế về tốc độ của vận tải bằng đường hàng không.

Sản lượng container duy trì ở mức cao

Sản lượng container của các hãng tàu Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm gần đây, minh chứng bởi sản lượng container nội địa thông qua các cảng biển. Trong nửa đầu năm 2021, sản lượng container đạt 4.4 triệu TEU, tăng 26% so với cùng kỳ. Tăng trưởng sản lượng container vận tải được hỗ trợ bởi sự kỳ vọng các hoạt động sản xuất công nghiệp dần phục hồi.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và sự gia tăng chi phí nhiên liệu đã khiến giá cước vận tải toàn cầu tăng vọt. Tình trạng tắc nghẽn cảng và thiếu container do nhu cầu không cân đối trên toàn thế giới gây ra bởi đại dịch, đã khiến chỉ số giá cước vận chuyển container thế giới (Drewry’s composite WCI) tăng 80% so với đầu năm, đạt 8,859 USD cho mỗi container 40ft (FEU).

Với vị trí ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành vận tải biển nội địa ở Việt Nam cũng chịu tác động từ vấn đề khan hiếm container khiến giá thuê container tăng cao, dẫn đến giá cước tăng cao. Theo VDSC, năm 2021, biên lợi nhuận gộp cho thấy sự phục hồi khi chi phí nhiên liệu ổn định hơn và các hãng tàu cũng đã tăng giá cước.

Exit mobile version