Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự kiến trong thời gian đóng cửa sân bay Côn Đảo từ tháng 4-12/2023 sẽ tăng cường khai thác trực thăng để phục vụ việc đi ra đảo.
Tăng cường khai thác di chuyển bằng trực thăng ra Côn Đảo
Theo văn bản trả lời cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên quan tới việc nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Côn Đảo, thời gian đóng cửa sân bay Côn Đảo theo kế hoạch là 9 tháng.
Về việc hỗ trợ địa phương giải pháp vận chuyển thay thế trong thời gian đóng cửa, Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện có 2 phương thức kết nối từ đất liền – huyện Côn Đảo là đường hàng không và đường biển.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông, nhu cầu vận tải của người dân sẽ bị ảnh hưởng phần nào khi đóng cửa sân bay Côn Đảo, triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Bộ này đã nghiên cứu phương án cần thiết là tăng cường phương tiện vận tải bằng đường biển và các chuyến bay trực thăng.
Hiện nay, từ đất liền ra Côn Đảo có 4 tuyến vận tải hành khách nhưng tại huyện Côn Đảo cảng cá Bến Đầm là nơi duy nhất tiếp nhận tàu khách. Kể từ khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn (từ tháng 3/2022), hoạt động vận tải hành khách đường biển ra đảo được tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, UBND huyện Côn Đảo chỉ đạo, số lượt tàu vào/rời cảng vẫn bị Ban Quản lý cảng Bến Đầm hạn chế, tần suất là 2 chuyến/ngày.
Thời gian đóng cửa sân bay Côn Đảo, Bộ Giao thông sẽ chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam cùng với các đơn vị liên quan tiến hành tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách sao cho bảo đảm an toàn trong hoạt động, di chuyển tới đảo thuận lợi.
Nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao của người dân và khách du lịch, Bộ cũng sẽ đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND huyện Côn Đảo phối hợp, tăng cường tiếp nhận tàu khách ra đảo.
Bộ Giao thông cho biết thêm, Công ty Trực thăng miền Nam thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, phiên hiệu quân sự Binh đoàn 18 hiện đang khai thác các chuyến bay trực thăng từ Vũng Tàu đi Côn Đảo. Bộ này sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với Binh đoàn 18 để đưa ra phương án về việc khai thác các chuyến bay trực thăng khi triển khai thực hiện các dự án.
Chưa hết, Bộ Giao thông cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng phương án tổ chức quản lý thực hiện các dự án, sao cho bảo đảm hạn chế thời gian tạm ngừng khai thác sân bay Côn Đảo một cách tối đa, hạn chế sự ảnh hưởng tới hoạt động du lịch địa phương, sớm khai thác, ổn định hoạt động vận tải đi/đến huyện Côn Đảo.
Quy hoạch nâng cấp sân bay Côn Đảo
Cảng Hàng không Côn Đảo được quy hoạch xây dựng mở rộng trong giai đoạn tính đến năm 2030 gồm có nâng cấp đường cất hạ cánh; quy hoạch sân đỗ tàu bay mới bảo đảm khai thác 8 vị trí đỗ cho tàu bay code C và tương đương; quy hoạch xây dựng nhà ga hành khách mới ở phía Đông Nam của nhà ga hiện hữu nhằm đáp ứng công suất khai thác 2 triệu hành khách mỗi năm.
Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư nâng cấp đường cất – hạ cánh, đường lăn đã được Bộ Giao thông phê duyệt. Theo dự kiến, khoảng gần 1.600 tỷ đồng sẽ được bố trí để thực hiện đầu tư từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng giao.
Cục Hàng không Việt Nam hiện được giao là chủ đầu tư dự án, đang thực hiện triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định.
Còn theo quy định hiện hành, đối với các công trình thiết yếu khu hàng không dân dụng, Tổng Công ty Cảng hàng không VN (ACV) là doanh nghiệp khai thác cảng hàng không có trách nhiệm đầu tư.
Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang phối hợp đề nghị ACV thực hiện rà soát, cân đối nguồn vốn, thực hiện đầu tư các công trình thiết yếu tại sân bay Côn Đảo để đưa vào vận hành, khai thác một cách đồng thời với các công trình kết cấu hạ tầng đang được triển khai.