Đà tăng trưởng lợi nhuận của CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã CK: VND) vẫn được duy trì trong nửa đầu năm 2022, ít nhất là theo báo cáo tài chính riêng mà công ty chứng khoán này mới công bố, với mức lãi sau thuế 1.288,4 tỉ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo cho thấy, hoạt động tự doanh vẫn đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu doanh thu của VND.
Trong đó, chênh lệch tăng về đánh giá lại các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 508 tỉ đồng, tăng 75,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, về con số tuyệt đối, chỉ tiêu này đã có phần suy giảm so với quý trước.
Khá trùng hợp, thời điểm cuối quý 1/2022 cũng là mốc thời gian mà VND ghi nhận mức giá trị hợp lý kỷ lục đối với cổ phiếu PTI kể từ khi phân loại khoản đầu tư này trong danh mục tài sản tài chính FVTPL.
Cụ thể, tại ngày 31/3/2022, khoản đầu tư vào cổ phiếu PTI được VND ghi nhận giá trị hợp lý ở mức 951,5 tỉ đồng, cao gấp 3,5 lần so với giá gốc. Tiêu chí này giảm xuống chỉ còn 948,9 tỉ đồng tại ngày 30/6/2022, nhưng vẫn vượt xa tổng giá trị hợp lý của các cổ phiếu còn lại trong danh mục của VND.
Nếu so với thời điểm ngày 31/12/2020, giá trị hợp lý mà VND ghi nhận đối với khoản đầu tư vào PTI đã tăng gấp 3 lần.
Diễn biến này có phần tương đồng với sự thăng hoa của cổ phiếu PTI trên thị trường chứng khoán trong 2,5 năm qua với mức đỉnh 75.000 đồng/cp thiết lập trong phiên giao dịch ngày 4/4/2022. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/7/2022, cổ phiếu PTI đóng cửa ở mức 59.000 đồng/cp – tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến giá cổ phiếu và khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu PTI từ cuối năm 2020 tới nay (Nguồn: Tradingview)
Trong hành trình lập đỉnh lịch sử, cổ phiếu PTI nhiều lần ghi nhận những phiên giao dịch ‘trắng’ thanh khoản, tức không có lệnh nào được khớp. Trong khi ở các phiên giao dịch còn lại, số lượng cổ phiếu trao tay qua phương thức khớp lệnh cũng khá khiêm tốn.
Kể như phiên lập đỉnh lịch sử hôm 4/4, cổ phiếu này chỉ có 3 lệnh được khớp, với khối lượng trao tay 2.300 đơn vị. Trong đó, lệnh khớp ở mức giá 75.000 đồng/cp cũng chỉ dừng lại ở 500 đơn vị.
Sau phiên giao dịch lập đỉnh lịch sử, những phiên ‘trắng’ thanh khoản của PTI xuất hiện nhiều hơn.
Lưu ý, đây cũng là giai đoạn mà thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào nhịp điều chỉnh mạnh, có lúc thủng mốc 1.200 điểm – nguyên nhân kéo lùi thành quả của hoạt động tự doanh ở không ít các công ty chứng khoán.
Song, như đã nêu, VND là một trong số ít các trường hợp ngoại lệ, vẫn ghi nhận tăng trưởng từ hoạt động này..
Khó có thể phủ nhận đà thăng hoa của cổ phiếu PTI đã góp phần tích cực cho kết quả hoạt động tự doanh của VND, từ đó giúp công ty chứng khoán này lập nhiều kỷ lục về lợi nhuận và vốn hoá trong 2 năm vừa qua.
Không dừng lại ở đó, quy mô vốn điều lệ của VND cũng gia tăng nhanh chóng. Tại ngày 30/6/2022, quy mô vốn điều lệ của công ty chứng khoán này đã lên tới 12.178,4 tỉ đồng, cao gấp 5,5 lần so với thời điểm 30/6/2021.
VND trở thành cổ đông lớn tại Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (Mã CK: PTI) từ tháng 10/2012. Tích cực gom thêm cổ phần từ các ‘tay chơi’ khác, tỉ lệ sở hữu của VND tại công ty bảo hiểm này có lúc lên tới 21,9% vốn điều lệ.
Năm 2018, sau khi bán bớt 1,8 triệu cổ phần, công chứng khoán do nữ doanh nhân Phạm Minh Hương làm Chủ tịch Hội đồng quản trị bắt đầu phân loại khoản đầu tư ở PTI vào tài sản tài chính FVTPL.
Việc ghi nhận khoản lãi vỏn vẹn 9 triệu đồng từ việc bán bớt cổ phần PTI đặt ra khả năng hoạt động này chỉ mang tính chất cơ cấu lại khoản đầu tư của nhóm chủ VND hơn là động thái thoái vốn đơn thuần.
Nhóm VND cũng được tin rằng đã hoàn tất thâu tóm lô 18,2 triệu cổ phiếu PTI mà VNPost đem bán đấu giá vào tháng 12/2021.
Sau thương vụ này, cơ cấu cổ đông có xu hướng cô đặc hơn, tập trung vào các ‘tay chơi’ lớn.
Mà như VietTimes từng đề cập , nhóm VND nổi lên là ‘tay chơi’ lớn nhất, với việc nắm giữ ít nhất 39,6 triệu cổ phiếu PTI, tương đương 49,3% vốn điều lệ.
Tiếp đến là DB Insurance, Tổng Công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam và CTCP Cokyvina với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 37,32%; 4,42% và 1,3%. Số cổ phần còn lại cho các cổ đông khác chỉ khoảng 6,1 triệu đơn vị, tương ứng với 7,64% vốn điều lệ.
Ở một chi tiết mà ít ai để ý, theo báo cáo riêng lẻ, tại thời điểm 31/12/2018, VND trực tiếp nắm giữ 13,2 triệu cổ phiếu PTI, với giá mua được ghi nhận là 266,8 tỉ đồng, trong khi ở báo cáo hợp nhất, các tiêu chí này lần lượt là 15,8 triệu cổ phiếu và 458,3 tỉ đồng.
Tính bình quân, các công ty thành viên của VND đã mua vào cổ phiếu PTI với mức giá lên tới 73.944 đồng/cp, cao gấp 3,5 lần mức giá vốn bình quân 20.194 đồng/cp cho số cổ phiếu PTI mà VND trực tiếp nắm giữ./.