PV GAS vào Top 5 vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi cổ phiếu bứt phá giá, vượt 200.000 tỷ đồng.
Phiên cuối tuần qua (1/10), cổ phiếu GAS tăng mạnh lên 103.500 đồng/cổ phiếu (tăng 6,7%), mức đỉnh trong gần 3 năm qua. Nhờ thế, vốn hóa của PV GAS tăng lên trên 198.000 tỷ đồng. Như vậy, PV GAS đã vượt qua Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán: VNM, vốn hóa đạt 187.600 tỷ đồng) để xếp vị trí thứ 5 về quy mô vốn hóa trên sàn chứng khoán.
Con số này cũng giúp PV GAS thời tiệm cận với vị trí thứ 4 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đang đạt mức vốn hóa 238.800 tỷ đồng.
Trong phiên sáng 4/10, cổ phiếu GAS tiếp tục tăng mạnh hơn 5%, lên 109.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa của PV GAS từ đó đã vượt 200.000 tỷ đồng. Thời điểm tháng 4/2018, cổ phiếu của GAS lập đỉnh trong lịch sử khi đạt 114.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu GAS nói riêng và nhóm cổ phiếu dầu khí nói chung đang được hưởng lợi từ đà tăng tích cực của giá dầu, củng cố triển vọng tăng trưởng.
8 tháng đầu năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, PV GAS ước đạt tổng doanh thu gần 52 nghìn tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch 8 tháng. Lợi nhuận trước thuế của đơn vị này đạt trên 7,2 nghìn tỷ đồng, bằng 123% kế hoạch 8 tháng; Lợi nhuận sau thuế đạt gần 5,7 nghìn tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch 8 tháng; Nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 3,2 nghìn tỷ đồng, bằng 136% kế hoạch 8 tháng.
Đến thời điểm hiện tại, top 10 vốn hoá tại sàn niêm yết HOSE gồm: Vietcombank, Vinhomes, vingroup, Hoà Phát, PV Gas, Vinamilk, Techcombak, Masan, VPBank, BIDV.
PV GAS là doanh nghiệp có khả năng bước vào nhóm vốn hóa trên 200.000 tỷ đồng nhờ triển vọng kinh doanh vẫn sáng sủa. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp khác trong top 10 lại đang gặp áp lực. Chỉ còn 4 đơn vị trong nhóm ngân hàng nằm trong bảng xếp hạng trên. Vietcombank dù dẫn đầu với vốn hóa gần 355.700 tỷ đồng nhưng đã giảm đáng kể 17,6% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 7.
Nhóm Vingroup cũng bị điều chỉnh đáng kể khi giảm giá liên tục từ tháng 4 đến nay. VHM của Vinhomes giảm mạnh về gần 335.300 tỷ đồng. Trong khi đó VIC của Vingroup đã lao dốc về hơn 333.700 tỷ đồng như hiện nay, lần lượt đứng thứ 2 và 3.
LNG sẽ trở thành động lực tăng trưởng dài hạn cho PV GAS?
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), gần đây giá dầu tăng mạnh, có thời điểm đạt ngưỡng 80 USD/thùng. Dự báo, nó sẽ neo ở mức cao trong những tháng cuối năm, tiếp tục mang lại cơ hội thuận lợi cho hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp dầu khí.
Việc giá dầu neo ở mức cao sẽ là động lực dẫn dắt kết quả kinh doanh cũng như giá của nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian tới bởi mối tương quan mật thiết với giá dầu Brent.
Đà tăng mạnh của giá dầu hiện nay sẽ không chỉ thúc đẩy giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà còn cải thiện nền tảng cơ bản của ngành Dầu khí trong giai đoạn 2021-2022.
Về vấn đề này, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, mảng LNG sẽ trở thành động lực tăng trưởng dài hạn cho PV GAS trong bối cảnh nhu cầu khí cao, nguồn khí thiếu hụt.
Theo đánh giá của BSC, ngành nhiệt điện khí Việt Nam sẽ phụ thuộc vào nguồn LNG nhập khẩu trong các năm tới. Lý do vì nguồn cung khí trong nước sụt giảm, trong khi đó tổng lượng khí cần cho sản xuất điện dự kiến tăng bình quân 14%/năm trong giai đoạn 2020-2030.
PV GAS triển khai khá tích cực công tác đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực LNG. Trong đó Dự án kho chứa LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải dự kiến hoàn thành theo đúng tiến độ vào cuối năm 2022… sẽ củng cố vai trò và vị thế của PV GAS trong nhập khẩu khí và LNG cho các hộ tiêu thụ trên toàn quốc trong tương lai.
Cát Anh (T/h)