“Quả bom nổ chậm” Evergrande và nỗi sợ của nền tài chính toàn cầu

ViMoney-evergrande khủng hoảng nợ 300 tỷ USD

Không chỉ tại Mỹ, thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), châu Âu đều lao dốc trước sự lo lắng về “quả bom nợ” Evergrande có thể phát nổ.

Evergrande ôm khoản nợ lớn nhất thế giới

Từng là con rồng bất động sản châu Á, Evergrande sở hữu hơn 1.300 dự án ở hơn 280 thành phố, không chỉ hoạt động trong lĩnh vực nhà đất, Evergrande còn tham gia vào tài chính, công nghệ, thực phẩm, giải trí, thể thao, …..Evergrande sở hữu tài sản khoảng 2.000 tỷ NDT, tương đương 2% GDP của Trung Quốc

Tuy nhiên, việc phát triển đa ngành không đem lại cơn mưa niềm vui cho Evergrande mà trái lại khiến tập đoàn này rơi vào cảnh nợ nần chồng chất phải kêu cứu chính quyền. 

Các chuyên gia cho rằng việc Evergrande đã vay nợ quá nhiều khi thị trường phát triển, cộng hưởng thêm là mảng xe điện đã khiến tập đoàn lỗ tới 740 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2021. 

Các nhân viên an ninh canh gác bên ngoài trụ sở của Evergrande – nơi mọi người tụ tập để yêu cầu hoàn trả các khoản vay tài chính ở Thâm Quyến vào hôm thứ Hai. (Ảnh: David Kirton / Reuters)

Chuỗi thời gian sắp tới của Evergrande thực sự là 1 cơn ác mộng khi liên tiếp đi trả nợ, trước đó là khoản thanh toán 669 triệu USD lãi vay vào cuối năm 2021. Tệ hơn, khoảng 615 triệu USD trong số đó là nợ lãi trái phiếu bằng đồng USD, nghĩa là Evergrande phải thanh toán bằng ngoại tệ. Vào tháng 3/2022, Evergrande sẽ phải thanh toán tiếp 2 tỷ USD trái phiếu đáo hạn và tiếp đó là 1,45 tỷ USD vào tháng 4/2022. 

Tập đoàn bất động sản Evergrande hiện đang phải đối mặt với khoản nợ hơn 300 tỷ USD, tương đương 83% tổng tài sản mà không có khả năng thanh toán. Nhiều chuyên gia nhận định nếu doanh nghiệp này vỡ nợ, bong bóng bất động sản trị giá 19.300 tỷ đồng sẽ nổ tung, một cuộc khủng hoảng tương tự năm 2008 có thể diễn ra khiến Trung Quốc nói riêng và tình hình kinh tế thế giới chịu tổn thất.

Như 1 hệ quả tất yếu, các cuộc biểu tình của những người mua nhà và nhà đầu tư Evergrande đã bùng phát tại nhiều thành phố khác nhau của Trung Quốc. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã tuyên bố khả năng Evergrande vỡ nợ đang cận kề trong khi nhiều tổ chức khác cũng liên tục hạ mức xếp hạng của tập đoàn này.

Bong bóng Evergrande chờ vỡ, chính quyền Bắc Kinh vẫn lặng im

Một khi Evergrande sụp đổ, dây chuyền các công ty có mối liên hệ sẽ bị ảnh hưởng và khó có thể cứu vãn. Điều đáng nói, những lo ngại về khả năng “lây lan” từ nguy cơ sụp đổ của “gã khổng lồ” bất động sản Evergrande (Trung Quốc) đã gây áp lực giảm lớn tới các chỉ số chính của phố Wall trong phiên giao dịch cuối ngày 20/9.

Lao dốc hơn 19% và dừng lại ở ngưỡng 10% mất giá trị, cổ phiếu Evergrande “thảm hại” đẩy giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn xuống mức thấp kỷ lục.

Không chỉ ở Trung Quốc, tại bên kia bán cầu, chỉ số S&P 500 mất 1,7%. Nasdaq Composite sụt giảm 2,2%, 2 chỉ số này hướng tới tháng giảm điểm mạnh nhất từ tháng 9/2020.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng giảm 614,41 điểm (1,78%), xuống 33.970,47 điểm. Đây là mức giảm theo phần trăm trong ngày lớn nhất của chỉ số này kể từ tháng 7.

Không riêng tại Mỹ, đêm qua, tình trạng bán tháo cũng diễn ra trên toàn cầu. Chỉ số Hang Seng (HSI) của thị trường Hong Kong giảm 3,3%, đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 10/2020, trong khi Stoxx Europe 600 của thị trường châu Âu giảm 1,7%.

Ở diễn biến khác, Evergrande đang trả nợ cho các nhà đầu tư bằng bất động sản. Các nhà đầu tư có thể lựa chọn thanh toán bằng các căn hộ giảm giá, văn phòng, không gian bán lẻ hoặc bãi đỗ xe.

Động thái của chính quyền Bắc Kinh ra sao?

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc thắt chặt việc phê duyệt thế chấp, tăng lãi suất cho những người mua nhà lần đầu, áp dụng các biện pháp kiểm soát cho thuê ở thành phố và dừng một số hoạt động đấu giá đất tập trung.

“Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc không nao núng trong việc hạ đòn bẩy của thị trường bất động sản. Những thông tin mới nhất liên quan đến Evergrande cho thấy hoạt động của thị trường nhà ở sẽ xấu đi hơn nữa nếu chính phủ không đưa ra một lộ trình rõ ràng, hướng tới giải pháp cuối cùng”, các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs, đứng đầu là ông Hui Shan, nhận định.

Zoe Nguyen (Tổng hợp)

Exit mobile version