Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng khả năng vỡ nợ của Nga “không còn là điều không thể xảy ra”, tuy nhiên, nó sẽ không gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
“Quả bom tài chính” do vụ vỡ nợ của Nga vào tháng 8/1998 gây ra vẫn chưa phai nhòa trong ký ức của thế giới bên ngoài. Vào thời điểm đó, khoản nợ khổng lồ Liên Xô để lại, lãi suất trái phiếu và những khoản vay nước ngoài của Ngân hàng Nga tăng gấp đôi khiến Moscow phải tuyên bố vỡ nợ.
IMF: Nga có thể vỡ nợ
Trở lại năm 2022, dù giá dầu và khí đốt tăng mạnh nhưng lệnh trừng phạt khiến Nga không thể xuất khẩu dầu để đổi lấy ngoại tệ mạnh như USD hay EUR. Sự việc lần này có phần tương tự như việc giá dầu năm 1998 giảm xuống hơn một nửa, gây thất thu cho ngoại tệ, vậy liệu “quả bom tài chính” của Nga có nổ một lần nữa?
Khoảng 117 triệu USD sẽ đáo hạn vào thứ Tư, ngày 16/3 , vì vậy Nga sẽ cần thanh toán khoản tiền lãi vào thời điểm đó bằng đồng đô la và không được phép thanh toán bằng đồng rúp. Nga có thời gian ân hạn 30 ngày.
Với khoảng 640 tỷ dự trữ ngoại tệ, Nga đủ khả năng để thanh toán nợ, tuy nhiên, Mỹ, Anh và EU đã đóng băng tài sản ngân hàng trung ương Nga, khiến nước này không thể tiếp cận phần lớn khoản dự trữ này.
Theo bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc của IMF tin rằng việc Nga vỡ nợ không còn là một “sự kiện bất khả thi”. Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và đồng minh thực hiện đang gây tác động “nghiêm trọng” lên kinh tế Nga và sẽ gây ra một cuộc suy thoái sâu trong năm nay. “Không phải là vì Nga không có tiền, mà là Nga không thể dùng số tiền mà họ có”, bà Georgieva nhấn mạnh.
Và khi được hỏi liệu việc thắt chặt tài chính của Nga có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hay không, Georgieva cho biết “hiện tại thì không”. Tổng nợ của các ngân hàng Nga là khoảng 120 tỷ USD, mức được đánh giá là không quá lớn.
IMF cũng bày tỏ quan ngại về hiệu ứng cánh bướm từ cuộc xung đột quân sự giữa Nga với nước láng giềng Ukraine vì họ có mối quan hệ thân thiết với cả hai quốc gia và một số lượng lớn người Ukraine tị nạn đổ về châu Âu.