Quảng Ninh 5 năm liên tiếp là quán quân trong BXH chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Quảng Ninh 5 năm liên tiếp là quán quân trong BXH chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Dù điểm số giảm gần 3 điểm so với năm 2020 nhưng Quảng Ninh vẫn giữ vị trí quán quân trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Quảng Ninh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính

Từ khảo sát gần 11.312 doanh nghiệp (hơn 10.127 doanh nghiệp tư nhân và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – FDI), sáng 27/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 (PCI 2021).

Theo đó, đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2021 là tỉnh Quảng Ninh với 73,02 điểm, giảm gần 3 điểm so với năm 2020. Như vậy, Quảng Ninh đã có 5 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng PCI. Đây cũng là địa phương duy nhất nằm trong nhóm rất tốt với chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc, giảm thiểu chi phí không chính thức, cải thiện chỉ số gia nhập thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp…

Ngoài ra, sau nhiều năm trong top 10, Hải Phòng với 70,61 điểm, tăng 1,34 điểm so với năm 2020 cũng vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng PCI.

Ở vị trí thứ 3 là Đồng Tháp. Ở các vị trí tiếp theo là Đà Nẵng, Vĩnh Phúc. Theo các doanh nghiệp đánh giá thì đây là những địa phương đã có sự thay đổi tích cực trong các chỉ số thành phần, phát triển kinh tế và kiểm soát dịch bệnh.

Trong thang điểm được xếp ở nhóm tốt (66-70/100 điểm) còn có sự xuất hiện của các tỉnh thành phố như Bắc Ninh, Hà Nội, Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá các địa phương này rất tích cực đối với các chỉ số như giảm thủ tục hành chính, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, giảm gánh nặng tuân thủ các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện…

Dù dịch Covid-19 khiến cho hoạt động điều tra PCI gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn đánh giá rằng, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam duy trì xu hướng cải thiện.

Doanh nghiệp đánh giá nhiều chỉ số trong PCI khả quan

Gần 21% doanh nghiệp nói rằng phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra. So với năm 2020, con số này giảm khoảng 7,7%. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong đấu thầu còn 36,8%, giảm hơn 3% so với 2020. Khoảng 21,4% doanh nghiệp cho rằng tình trạng “chạy án” giảm 2,6% so với năm 2020.

Tuy nhiên, theo quan điểm của VCCI, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; cải cách trong các lĩnh vực như thuế, bảo hiểm, đất đai, xây dựng môi trường, quản lý thị trường.

Các doanh nghiệp FDI ghi nhận cải thiện tích cực trong môi trường kinh doanh của Việt Nam khi gánh nặng thanh, kiểm tra, chi phí không chính thức đã giảm. Chưa kể, chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng theo thời gian đã được cải thiện rõ rệt.

Nhưng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn thì các địa phương cần cải cách thêm nữa trong các thủ tục hành chính về thuế, đăng ký đầu tư, xuất nhập khẩu, bảo hiểm xã hội… Việc thực hiện thủ tục triển khai dự án đầu tư, cấp phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường… đối với doanh nghiệp FDI cần được tạo điều kiện nhiều hơn.

PCI được xây dựng từ năm 2005, là bộ chỉ số hợp thành bởi các chỉ số thành phần, như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, môi trường kinh doanh… Đến nay nó đã trải qua 17 năm công bố.

Chỉ số PCI được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam, đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh khác nhau và mức độ hỗ trợ của chính quyền theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương.

Exit mobile version