Khi tìm hiểu lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh, nhà đầu tư không thể bỏ qua chỉ số ROE. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cho người đọc về chỉ số ROE là gì và cách áp dụng chỉ số ROE trong phân tích doanh nghiệp và chứng khoán.
ROE là gì?
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (tiếng Anh: Return On Equity – ROE) là thước đo tài chính hiệu quả cho biết một công ty tạo ra bao nhiêu thu nhập ròng trên mỗi đô la vốn đầu tư. ROE giúp các nhà đầu tư xác định xem công ty đó là một cỗ máy lợi nhuận hay một công ty vận hành kém hiệu quả.
Công thức tính ROE:
ROE = Thu nhập ròng (Net income) / Vốn chủ sở hữu (Equity) * 100%
Thu nhập ròng (Net income) được tính bằng doanh thu trừ chi phí giá vốn hàng bán, bán hàng, chi phí hành chính, chi phí hoạt động, khấu hao, lãi, thuế và các chi phí khác.
Vốn chủ sở hữu hay vốn cổ đông (Shareholders’ equity) là quyền lợi của chủ sở hữu công ty trong khối tài sản chung sau khi đã khấu trừ đi tất cả các nghĩa vụ nợ.
Để tìm các công ty có lợi thế cạnh tranh, các nhà đầu tư có thể sử dụng ROE trung bình 5 năm của các công ty trong cùng ngành.
Ví dụ về tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE)
Giả sử rằng hai công ty có cùng số lượng tài sản (1.000 USD) và thu nhập ròng như nhau (120 USD) nhưng mức nợ khác nhau.
Công ty A có 500 USD nợ và do đó công ty có 500 USD vốn chủ sở hữu của cổ đông (1.000 USD – 500 USD), trong khi công ty B có 200 USD nợ và 800 USD vốn chủ sở hữu của cổ đông (1.000 USD – 200 USD). Công ty A có ROE là 24% (120 USD / 500 USD) trong khi công ty B, với ít nợ hơn, có ROE là 15% (120 USD / 800 USD). Khi ROE bằng thu nhập ròng chia cho vốn chủ sở hữu, công ty A, công ty có nợ cao hơn, cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao hơn.
Công ty A có vẻ như có khả năng sinh lời cao hơn nhưng nó thực tế có những nghĩa vụ trả nợ nhiều hơn đối với các chủ nợ. Do đó, chỉ số ROE cao hơn có thể chỉ là tấm mặt nạ che giấu những vấn đề sắp xảy ra trong tương lai. Để có cái nhìn minh bạch hơn, nhà đầu tư cũng nên kiểm tra hệ số thu nhập trên vốn đầu tư (Return on Invested Capital – ROIC).
Ý nghĩa của ROE
ROE là một chỉ số hữu ích để đánh giá lợi nhuận đầu tư của một công ty trong một ngành cụ thể. Các nhà đầu tư có thể sử dụng ROE để so sánh ROE của một công ty với mức trung bình của ngành để hiểu rõ hơn về mức độ hoạt động của công ty đó so với các đối thủ cạnh tranh.
ROE cao hơn báo hiệu rằng một công ty sử dụng hiệu quả vốn cổ phần của mình để tạo ra thu nhập. ROE thấp có nghĩa là công ty kiếm được tương đối ít so với vốn chủ sở hữu của cổ đông.
Tỷ lệ ROE càng cao càng chứng tỏ công ty sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông để tạo ra thu nhập. Hệ số ROE càng cao thì các cổ phiếu càng hấp dẫn các nhà đầu tư hơn.
ROE có xu hướng tăng cũng là một dấu hiệu tốt. ROE cũng có thể được sử dụng để giúp ước tính tốc độ tăng trưởng của một công ty – tốc độ mà một công ty có thể phát triển mà không cần phải vay thêm tiền.
Tỷ lệ phần trăm nào được coi là tốt nhất?
Không có con số cụ thể cho tỷ lệ tốt nhất. Các ngành khác nhau sở hữu tài sản và thu nhập khác nhau, do đó ROE khác nhau giữa các ngành. Ví dụ, dữ liệu do Đại học New York công bố cho thấy ROE trung bình của các công ty bán lẻ trực tuyến là 27,05%. Nhưng trong ngành quảng cáo, ROE chỉ là 2,93%. Các nhà đầu tư thông minh sẽ tìm các công ty có ROE cao hơn mức trung bình trong số các công ty cùng ngành.
Hạn chế của ROE
Mặc dù là một trong những chỉ số tài chính quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư chứng khoán, nhưng ROE không phải lúc nào cũng nói lên toàn bộ câu chuyện.
Ví dụ, ROE có thể thấp một cách khó hiểu đối với các công ty mới, nơi có nhu cầu vốn lớn khi thu nhập có thể không cao lắm. Tương tự như vậy, một số yếu tố, chẳng hạn như gánh nợ vượt mức, có thể làm tăng ROE của công ty.
Một hạn chế khác của ROE là nó có thể bị bóp méo một cách cố ý bằng cách sử dụng các kẽ hở kế toán. Thu nhập tăng cao hoặc tài sản ẩn ngoài bảng cân đối kế toán có thể tăng ROE và khiến cho một công ty trông có lãi cao hơn thực tế.
Do những hạn chế này, nhà đầu tư nên phân tích đầy đủ về hiệu suất tài chính của một công ty bằng cách sử dụng ROE làm một trong số các thước đo và kết hợp với các thước đo khác như ROA.
ROE là một trong những chỉ số tài chính quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư chứng khoán săn lùng các công ty có giá trị tốt. Đó là một dấu hiệu đơn giản và tiện dụng cho thấy một công ty có thể tạo ra doanh thu từ số tiền đầu tư của cổ đông tốt như thế nào. ROE cao và ổn định nhìn chung là tốt hơn, nhưng con số tuyệt đối nên được xem xét trong bối cảnh của ngành. Đó cũng là một dấu hiệu tốt nếu ROE tăng theo thời gian.