Sau khi Bắc Kinh ban hành tối hậu thư cấm hoàn toàn các giao dịch khai thác tiền điện tử, các sàn giao dịch tiền điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ tiền điện tử đang dần “quay xe” nói lời từ biệt với các khách hàng ở Trung Quốc đại lục. Hiện quá trình đăng ký mới vẫn có hiệu lực với người dùng ở Hong Kong (Trung Quốc).
Sau 10 năm nỗ lực kìm hãm sự phát triển của các sàn tiền ảo, 10 cơ quan quyền lực của chính phủ Trung Quốc bao gồm Ngân hàng trung ương đã ra lệnh các nhà đầu tư đại lục không được giao dịch các dịch vụ liên quan đến crypto ở nước ngoài, đồng thời cam kết “diệt cỏ tận gốc” các các hoạt động tiền số bất hợp pháp.
Mới đây, Huobi Global và Binance đã ngừng dịch vụ đăng ký mới đối với người dùng ở Trung Quốc đại lục. Huobi Global tuyên bố sẽ đóng tài khoản của khách hàng ở Trung Quốc đại lục vào cuối năm nay để tuân thủ các quy định của địa phương.
Du Jun, người đồng sáng lập Huobi Group cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu thực hiện các biện pháp khắc phục, thu hồi tài khoản sau khi nhìn thấy thông báo”.
Đại diện Binance khẳng định: “Chúng tôi luôn cân nhắc kỹ lưỡng việc tuân thủ các quy định và cam kết tuân theo các quy định ở nước sở tại nơi chúng tôi hoạt động”.
Du Jun không đưa ra ước tính số người bị ảnh hưởng, nhưng chắc chắn con số thiệt hại không hề nhỏ bởi trước kia Huobi – 1 trong những sàn tiền điện tử lớn nhất thế giới đã bắt tay xây dựng 1 chiến lược toàn cầu, đồng thời ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ ở châu Á và các nước Đông Nam Á.
Vào hôm nay, (27/9), cổ phiếu của công ty Huobi Tech – chi nhánh của Huobi Global đã mất đi 30% giá trị chỉ sau 1 tiếng chuông mở cửa.
Đồng cảnh ngộ, công ty giao dịch Huobi Tech (1611.HK) giảm 23% và OKG Technology Holdings Ltd (1499.HK) thuộc sở hữu của Xu Mingxing, người sáng lập ra đồng tiền điện tử OK Coin cũng “bay màu” hơn 20%.
Token Pocket – nhà cung cấp dịch vụ phổ biến về ví tiền điện tử thông báo với khách hàng rằng họ sẽ chấm dứt mọi dịch vụ tại Trung Quốc, chấp nhận quy định mới và thực hiện nghiêm túc.
Cobo – một nền tảng quản lý và giám sát tài sản tiền số, gần đây cũng đã chuyển trụ sở chính từ Bắc Kinh sang Singapore.
Trung Quốc từng là mảnh đất màu mỡ khai thác BTC lớn nhất thế giới, năm 2017, nhiều sàn giao dịch đã đóng cửa hoặc chuyển ra nước ngoài. Động thái kiên quyết vào tháng 5/2021, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã tuyên bố sẽ cấm giao dịch và khai thác Bitcoin.
Theo chính quyền Bắc Kinh, Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác đang tạo điều kiện cho các giao dịch ngầm không cần đến ngân hàng nhà nước, điều này phát sinh ra những đợt huy động vốn phi pháp hoặc các hoạt động rửa tiền.
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho hành động kiên quyết của Trung Quốc với tiền điện tử, trong đó gồm giả thiết rằng quốc gia này đang dọn đường để cho ra mắt đồng tiền điện tử của riêng mình.
Thị trường tiền điện tử tại thời điểm 16h15 phút ghi nhận, Bitcoin giao dịch ở mức 44.125,33 USD/BTC (tăng 4,51% so với cùng thời điểm ngày 27/9), Ethereum hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 3.123 USD/ETH (tăng 9,7% giá trị trước đó), Tether (USDT) hiện đang giảm 0,04% ở mức giá 1 USD, vốn hóa đạt 68,57 tỷ USD.
Các quan điểm và ý kiến được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và chúng không cấu thành lời khuyên về tài chính, đầu tư hoặc các lời khuyên khác.
Zoe Nguyen (Nguồn Reuters)