Trong kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo, nhiều dự đoán cho rằng giá xăng sẽ tăng lên tới 30.000 đồng/lít.
Giá xăng ngày mai được dự đoán tăng sốc
Ngày mai sẽ là kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo trong nước. Theo các doanh nghiệp, giá xăng đang chịu sức ép tăng 2.000-3.000 đồng/lít. Ngày mai, rất có thể mặt hàng này sẽ tăng lần thứ 7 liên tiếp.
Bộ Công Thương đưa dữ liệu cho thấy, tính đến ngày 8/3, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore đối với RON92 là 133,8 USD/thùng, đối với RON95 là 135,5 USD/thùng. So với đợt điều chỉnh trước đó, đã tăng từ 18-20%. Trong đó, riêng ngày 8/3, giá xăng RON92 lập kỷ lục cao nhất trong 14 năm qua khi chạm mốc 150 USD/thùng.
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP HCM, giá xăng dầu trong 10 ngày qua chênh lệch trên 20%. Trong kỳ điều hành giá mới, có thể giá xăng sẽ tăng sốc ở mức 1.800-2.400 đồng/lít. Vị này kỳ vọng việc giảm thuế bảo vệ môi trường giúp hạ nhiệt giá xăng dầu.
Cùng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cũng đưa ra nhận định, giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày mai thậm chí có thể tăng tới hơn 3.000 đồng/lít.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1/3, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 540 đồng, lên 26.070 đồng. Xăng RON 95 tăng lên 26.830 đồng; dầu hoả tăng lên 19.970 đồng/lít; Dầu diesel tăng lên 21.310 đồng/lít; Dầu mazut lên mức 18.460 đồng/kg.
Các đầu mối nhập khẩu xăng dầu và các cửa hàng bán lẻ chia sẻ rằng, họ đang lỗ khoảng 2.000-4.000 đồng/lít. Nếu giá dầu tiếp tục leo thang họ có nguy cơ lỗ nặng hơn nữa.
Trong khi Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ ngày 1/4 đến hết năm 2022. Mức giảm được đưa ra là từ 500 đồng đến 1.000 đồng/lít. Tuy nhiên mới đây, Bộ Công Thương và VCCI đều đề xuất giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng và 1.000 đồng với dầu.
Giá dầu trên thế giới liên tục leo thang
Liên quan đến căng thẳng Nga – Ukraine, giá xăng dầu trên thế giới đã thiết lập những mốc đỉnh mới. Rất nhiều quốc gia đều đang cùng cảnh chịu sức ép lớn từ giá xăng dầu trên thế giới.
Trong một nhận định mới nhất về thị trường xăng dầu, người đứng đầu bộ phận thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, ông Bjornar Tonhaugen nói rằng đây là cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong hàng thập kỷ qua.
Ông Tonhaugen cho rằng, các nước phương Tây bổ sung biện pháp trừng phạt đối với nước xuất khẩu năng lượng lớn thứ 2 thế giới là Nga sẽ khiến thị trường thiếu hụt nguồn cung khoảng 4,3 triệu thùng/ngày – khối lượng không thể thay thế nhanh chóng bằng các nguồn cung khác.
Theo ông Tonhaugen, nếu tháng 4/2022, hoạt động xuất khẩu 4,3 triệu thùng/ngày sang phương Tây của Nga bị dừng, trong khi đó, mức nhập khẩu dầu thô được cả Trung Quốc và Ấn Độ đều giữ nguyên như hiện nay thì giá dầu Brent sẽ tăng vọt lên 240 USD/thùng vào mùa Hè.
Tuy nhiên, trong một diễn biến gần nhất, vào sáng 10/3, nếu tính về tỷ lệ thì giá dầu có phiên giảm mạnh nhất trong gần 2 năm. Diễn biến này có được từ sau khi Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) – thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) ủng hộ tăng sản lượng dầu.
Cụ thể, giá dầu Brent giảm 13,2%, xuống còn 111,14 USD/thùng. Đây là phiên giá dầu giảm mạnh nhất từ ngày 21/4/2020. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm 12,5%, còn 108,7 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2021.