Tháng 11, chỉ số sản xuất công nghiệp được đánh giá là khởi sắc khi mức tăng ước tính 5,5% so với tháng trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 5,5%
Việc các địa phương thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã giúp sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc hơn.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tính so với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 tăng 5,5% và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, sản xuất công nghiệp tháng 10 cũng đạt được những kết quả khả quan khi giãn cách xã hội được nới lỏng.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,4% (tháng trước giảm 1,6%); ngành khai khoáng tăng 2,2% (tháng trước giảm 7,2%); sản xuất và phân phối điện tăng 2,2% (tháng trước tăng 2,4%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2% (Tháng trước tăng 1,5%).
Tính chung số sản xuất công nghiệp của 11 tháng năm 2021 tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8%, góp thêm 4,2 điểm % vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%, góp thêm 0,3 điểm %; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3%, góp thêm 0,1 điểm %. Duy chỉ có ngành khai khoáng giảm 6%, làm mất 1 điểm % trong mức tăng chung.
Hoạt động thương mại, vận tải và du lịch duy trì “phong độ”
Cũng nhờ triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP, hoạt động kinh doanh dịch vụ, vận tải dần trở về trạng thái “bình thường mới”.
Xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì được tốc độ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 11 tăng 8,5% so với tháng 10, ước tính đạt 59,7 tỷ USD; so với cùng kỳ năm trước tăng 19,7%.
Ngành du lịch cũng đã có những biến chuyển tích cực. Nhờ lộ trình thí điểm đón khách quốc tế, tháng 11/2021, lượng khách này đã tăng 42,4% so với tháng trước. Cụ thể, tháng 11, có hơn 15 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam, so với tháng trước tăng 42,4% và so với cùng kỳ năm trước giảm 15,2%. Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch, tính chung 11 tháng năm 2021, lượng khách quốc tế đến nước ta giảm tới 96,3% so với cùng kỳ năm ngoái, ước tính đạt 140,1 nghìn lượt người.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 397,1 nghìn tỷ đồng. Con số này tăng 6,2% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ năm 2020 thì giảm 12,2%. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số này đạt 4.128,5 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước giảm ở mức 8,7%. Nếu loại trừ yếu tố giá, mức giảm là 10,4%. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2020, mức giảm chỉ là 3,8%.
Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11 đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước, tăng đến 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng của năm 2021, ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 299,67 tỷ USD. Trong 11 tháng năm 2021 có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 11/2021, tăng cao nhất là nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, theo ước tính đạt 3,57 tỷ USD. Tiếp là nhóm hàng công nghiệp chế biến, ước tính là đạt 266,75 tỷ USD, tăng 18%. Xếp phía sau lần lượt là nhóm hàng nông sản, lâm sản tăng 15,4%, đạt 21,4 tỷ USD; nhóm hàng thủy sản đạt 7,95 tỷ USD, tăng 3,5%.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam trong tháng 11, kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD (tăng 22,2% so với cùng kỳ). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, đạt 50,5 tỷ USD (tăng 16,8%).
Về kim ngạch nhập khẩu tháng 11/2021 ước tính đạt 29,8 tỷ USD. So với tháng trước tăng 14%, so với cùng kỳ năm trước tăng 20,8%. Tính chung, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2021 đạt 299,45 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 27,5%. Trong tháng 11, 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD.
Trong 11 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất nhập khẩu ước tính đạt 280,2 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 27,9%. Ngoài ra, theo ước tính, nhóm hàng tiêu dùng đạt 19,25 tỷ USD, tăng 22,2%.
Trung Quốc được xếp là thị trường nhập khẩu lớn nhất Việt Nam trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, đạt 98,5 tỷ USD. Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu thứ 2 của Việt Nam, đạt 50,3 tỷ USD, tăng 20,3%. Tiếp theo là các thị trường ASEAN, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ.
Tháng 11, cán cân thương mại của Việt Nam ước tính xuất siêu 100 triệu USD. Tính tổng 11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất siêu 225 triệu USD.
Về vận tải hành khách, theo ước tính tháng 11 đạt 137,3 triệu lượt khách vận chuyển và luân chuyển 4,5 tỷ lượt khách.km. So với tháng trước, các chỉ số này đã tăng lần lượt 24,1% và 23,9%. Tính 11 tháng của năm 2021, vận tải hành khách đạt 2.267,8 triệu lượt khách vận chuyển và luân chuyển 90,8 tỷ lượt khách.km nhưng các chỉ số vẫn giảm lần lượt là 30,1% và 38,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về vận tải hàng hóa, ước tính tháng 11 đạt 142,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển và luân chuyển 29,9 tỷ tấn.km, tăng lầm lượt là 9,8% và 7,1%. Tuy nhiên khi tính chung 11 tháng của năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 1.472 triệu tấn hàng hóa vận chuyển và luân chuyển 300,7 tỷ tấn.km; giảm lần lượt là 8% và 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cát Anh (T/h)