Sầu riêng, thanh long Việt đón thêm thách thức mới

Sầu riêng, thanh long Việt đón thêm thách thức mới

Các chuyên gia cho rằng, thanh long và sầu riêng của Việt Nam có nguy cơ thừa cung, rớt giá khi Trung Quốc liên tục mở rộng diện tích trồng, tăng sản lượng.

Sản lượng sầu riêng, thanh long của Trung Quốc tăng mạnh

Trung Quốc hồi cuối tháng 2 công bố, sản lượng thanh long của nước này là 1,6 triệu tấn/năm, cao hơn Việt Nam 200.000 tấn, trở thành nước đứng đầu thế giới về sản lượng thanh long. Đây là kết quả của sau nhiều năm nước này liên tục mở rộng diện tích từ 2016 đến nay.

Nhu cầu tiêu thụ của người dân Trung Quốc theo thống kê của hải quan rơi vào khoảng 2 triệu tấn một năm. Có thể thấy, sản lượng thanh long tự sản xuất của họ đã gần đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cả nước.

Trong khi đó, sau nhiều năm thử nghiệm thất bại, sầu riêng của nước này cũng bắt đầu ra trái. Viện cây ăn quả nhiệt đới (Học viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam) mới đây công bố, các tỉnh phía Nam nước này đã trồng thành công hơn 2.000 ha sầu riêng. Dự kiến, sản phẩm sẽ bán ra thị trường năm 2024, nguồn cung trong khoảng 45.000-75.000 tấn.

Theo viện này, quy mô trồng sầu riêng sẽ mở rộng ra phía Bắc. Nước này đang tìm cách nhập khẩu cây giống chất lượng cao từ nước ngoài, cạnh nguồn có sẵn trong nước. Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp Youqi Hải Nam – ông Du Baizhong cho hay, cây sầu riêng của công ty này đang phát triển tốt và cho trái đều. Việc mở rộng diện tích sầu riêng tại quốc gia này có thể tăng nhanh trong thời gian tới.

Thanh long, sầu riêng Việt Nam đối mặt thêm nhiều áp lực

Thanh long, sầu riêng, chiếm 90% sản lượng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có nguy cơ dư thừa khi nước này đang lên kế hoạch làm chủ nguồn cung nông sản.

Giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) Trần Ngọc Hiệp cho biết trên VnExpress, xuất khẩu thanh long của Việt Nam trong những tháng đầu năm đã bắt đầu bị tác động. Khi mà Trung Quốc hiện đang nhập chưa tới 100 container mỗi ngày trong khi các năm trước, họ nhập hơn 300 container.

Vì có hàng trái vụ nên hiện giá thanh long vẫn neo ở mức cao. Nhưng từ tháng 3 đến tháng 9, khi Trung Quốc vào vụ, thanh long Việt sẽ đối diện với nguy cơ thừa cung. Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, thanh long Việt 90% được xuất sang Trung Quốc. Khi nước này vào chính vụ thì sản phẩm thanh long nội địa sẽ ngập tràn trên thị trường, hàng Việt khi đó đối mặt nguy cơ dư cung.

Chưa kể, giá bán thanh long Việt cũng khó cạnh tranh với hàng nội địa, nhất là khi Trung Quốc có thời điểm bán cho người tiêu dùng dưới giá thành.

Sầu riêng Việt được cho là sẽ thất thế so với hàng Trung Quốc nếu không nâng cao chất lượng, thêm vào việc phải cạnh tranh với hàng Thái Lan, Malaysia khi được xuất chính ngạch muộn hơn.

Theo cảnh báo của Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, bà Phan Thị Trà My, nước này đã không còn là thị trường dễ tính để hàng Việt có thể dễ dàng thâm nhập. Nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc rất lớn nhưng hàng Việt sắp tới sẽ rất khó cạnh tranh với Thái Lan và hàng nội địa Trung Quốc nếu vẫn làm ăn kiểu “chộp giật”.

Trước những thách thức lớn nêu trên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng Nhà nước cần quy hoạch loại vùng trồng, nông dân không nên canh tác quá ồ ạt, tránh tình trạng cung vượt cầu. Việt Nam ngoài ra còn cần xây dựng thương hiệu cho sầu riêng Việt.

Ông Nguyên cũng cho rằng, để có chỗ đứng, hàng Việt nên tận dụng các ưu thế riêng như tăng sản xuất hàng trái vụ. Ngoài ra, để không bị phụ thuộc thị trường Trung Quốc, ông cho rằng Chính phủ Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ nông nghiệp phát triển, kết nối giao thương nhiều hơn ở các thị trường mới.

Thêm nữa, theo ông nông sản Việt Nam nên chú trọng hơn ở thị trường nội địa.

Exit mobile version