Saudi Arabia trong mối quan hệ tay ba: dầu mỏ – Mỹ – Nga

Sau quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC +, mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia đang trở nên căng thẳng. Nhiều người chỉ trích cho rằng Saudi Arabia đang ủng hộ Nga và cố tình đánh lén Mỹ.

Nhóm OPEC+ gồm thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô tương đương 2% nhu cầu hằng ngày của thế giới kể từ tháng 11.

Nhà Trắng cho biết quyết định mà nhóm các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ OPEC + đưa ra là “đáng thất vọng”. Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây còn cảnh báo sẽ có “hậu quả” với Saudi Arabia, quốc gia đứng đầu OPEC+, sau khi nhóm này quyết định cắt giảm mạnh sản lượng dầu. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ là “thiếu không ngoan và không giúp ích” cho kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các thị trường mới nổi.

Quyết định của OPEC + và Saudi Arabia – nhà sản xuất dầu lớn thứ hai trên thế giới và đóng một vai trò quan trọng trong tổ chức giống như một gáo nước lạnh đối với Mỹ sau chuyến thăm vào tháng 7 của Tổng thống Biden tới Saudi Arabia.

Cuộc chiến ở Ukraine và các cuộc đối đầu chính trị với Nga đã chứng kiến ​​giá năng lượng toàn cầu tăng vọt và giá năng lượng này có thể giảm xuống nếu Saudi Arabia tăng sản lượng dầu. Giá nhiên liệu giảm cũng rất quan trọng đối với đảng Dân chủ của chính Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào đầu tháng 11 sắp tới.

Tuy nhiên, thông báo của OPEC+ đi ngược lại mọi cáo buộc. Câu hỏi được đặt ra là “Liệu quyết định của OPEC + có ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ không?”

Lập trường của Saudi Arabia

Hiện tại, cảm nhận rõ rệt nhất của Mỹ là sự phớt lờ của Saudi Arabia. Đây cũng có thể được coi là sự ủng hộ ngầm đối với Nga đến từ Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác. Quyết định này của OPEC + có thể phủ nhận tác động của lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga mà Liên minh châu Âu thống nhất hồi đầu tháng 6. Lệnh cấm vận được cho là sẽ cắt giảm ngân sách của Nga và do đó làm cạn kiệt nguồn tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên, quyết định của OPEC + sẽ khiến giá dầu tăng trở lại, điều đó có nghĩa là Nga sẽ kiếm được nhiều tiền hơn từ bán dầu.

“Quyết định đó sẽ mang lại lợi ích cho Nga. Nga sẽ kiếm được nhiều doanh thu và lợi nhuận hơn từ việc bán dầu”, Bila Saab, giám đốc sáng lập Chương trình Quốc phòng và An ninh tại Viện Trung Đông, khẳng định.

Chiến tuyến này có Nga ở một bên và Ukraine và các quốc gia phương Tây ở phía bên kia chiến tuyến. Saudi Arabia và các nước láng giềng vùng Vịnh không mặn mà trong việc ủng hộ các biện pháp của châu Âu và Mỹ nhằm chống lại Nga.

Về phía mình, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia, nước này cho rằng việc cắt giảm sản lượng dầu là quyết định thuần túy về kinh tế, nói rằng nó phục vụ lợi ích của cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. “Dầu mỏ không phải là vũ khí. Chúng tôi xem dầu như một loại hàng hóa mà trong đó chúng tôi chiếm phần rất lớn”, Ngoại trưởng Saudi Adel al-Jubeir nói với Fox News.

Exit mobile version