Chính phủ cho biết sẽ ưu tiên khởi công đường sắt tốc độ cao do loại hình này có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1769/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn từ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch này, Chính phủ cho biết sẽ ưu tiên khởi công 2 đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, bao gồm: đoạn Nha Trang – TPHCM và đoạn Hà Nội – Vinh.
Theo đó, quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đường sắt là chuyên ngành đặc thù, có chức năng quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, được nhận định là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để thực hiện phát triển kinh tế – xã hội, đi đôi với bảo đảm an ninh, quốc phòng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Chính vì vậy, quy hoạch có mục tiêu là phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt theo hướng trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá trên các hành lang vận tải chính có nhu cầu vận tải lớn. Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh vận tải hàng hóa, hành khách với khối lượng lớn, cự ly từ trung bình đến dài. Tập trung khai thác năng lực mạng lưới đường sắt hiện có một cách tối đa và đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ kết nối với các cảng biển cửa ngõ, trung tâm kinh tế lớn.
Song song đó, mục tiêu của quy hoạch còn là từng bước đa dạng hóa nguồn lực trong đầu tư phát triển công nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải đường sắt; tập trung nguồn lực của nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng các đoạn, tuyến đường sắt; đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng, thiết bị, phương tiện, kinh doanh đường sắt, tiếp cận huy động nguồn lực của địa phương, .
Trong giai đoạn 2021-2030, ngoài triển khai đầu tư 2 đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, kết cấu hạ tầng cũng sẽ nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 7 tuyến đường sắt hiện có.
Đồng thời, ưu tiên quy hoạch một số tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế, điển hình là khu vực Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu; kết nối TPHCM với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Lào, Campuchia và Trung Quốc, trên cơ sở đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực và phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế.
Theo quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ hoàn thiện tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; tiếp tục hoàn thành công tác xây dựng tại các tuyến đường sắt mới thuộc khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TPHCM, đường sắt kết nối với các khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Quy hoạch cũng nhấn mạnh sẽ duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.