Siết chặt giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ một cách hợp lý

Siết chặt giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ một cách hợp lý

Phải siết lại giao dịch trái phiếu riêng lẻ

Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế ban hành ngày 31/12/2020, hiệu lực thi hành ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, sau một thời gian thực thi đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đang sửa Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ, bởi khi Nghị định ra đời rất muốn tiếp cận với thông lệ của thế giới, nhưng sau khi ban hành lại thể hiện lỗ hổng, đã có những vi phạm nên cần phải siết lại.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định tại Nghị định theo hướng siết chặt một cách hợp lý.

Các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành

Cụ thể, quản lý chặt các công ty chứng khoán tư vấn phát hành; các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành; thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án.

Doanh nghiệp sau khi phát hành phải thông báo ngay cho Sở Giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thường xuyên có công bố thông tin về việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu.

Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán bao gồm: Phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Dự thảo đưa ra nhiều quy định ngặt nghèo làm khó doanh nghiệp?

Song theo các chuyên gia, dự thảo sửa đổi Nghị định 153 đã đưa ra nhiều quy định ngặt nghèo liên quan đến điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ làm “khó” doanh nghiệp.

Cụ thể, tại dự thảo mới nhất quy định doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu riêng lẻ để đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn, bởi theo Bộ Tài chính thì quy định này nhằm hạn chế chuyển vốn giữa các doanh nghiệp.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và theo thông lệ quốc tế thì góp vốn, cho vay là quyền của doanh nghiệp; việc một công ty mẹ có đủ tiềm lực, uy tín đứng ra phát hành trái phiếu rồi “bơm vốn” cho công ty con là hợp pháp; nếu bị hạn chế quyền này, năng lực của doanh nghiệp sẽ yếu đi.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), công ty mẹ phát hành trái phiếu, để rồi từ đó lấy tiền phân bổ cho công ty con là bình thường.

Cần tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trong sử dụng vốn

Ở chiều ngược lại, trước những vụ việc sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 153 sẽ giúp tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng vốn thu về cũng như trong việc công bố thông tin tới nhà đầu tư và cơ quan quản lý.

Những điểm mới được bổ sung, sửa đổi theo hướng siết chặt có thể sẽ làm giảm lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng sẽ giúp tăng chất lượng trái phiếu phát hành cũng như tăng cường sự công khai, minh bạch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành

Dự thảo cũng bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành, nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành; đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Cụ thể, dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 16 Nghị định 153 như sau: trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ chỉ được giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

Exit mobile version