Để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, theo kế hoạch, các siêu thị và trung tâm thương mại sẽ tăng thời gian bán hàng ngày Tết.
Tăng thời gian bán hàng ngày Tết, hệ thống siêu thị Aeon mở xuyên Tết
Theo đó, các hệ thống siêu thị hầu hết hoạt động đến 12h ngày 30 Tết và Mùng 2 Tết mở cửa trở lại. Ngoài bán trực tiếp, các siêu thị còn bán hàng trực tuyến và giao tại nhà. Thêm nữa, tại các khu công nghiệp, các siêu thị còn tổ chức các điểm bán hàng lưu động.
Cụ thể, hệ thống Big C sẽ mở cửa từ 7h – 23h đến 29 Tết. Hệ thống siêu thị Aeon không chỉ tăng thời gian hoạt động mà còn mở cửa xuyên Tết nhằm phục vụ hoạt động mua sắm cũng như giải trí của người dân.
Được biết, để người dân thuận lợi mua sắm Tết, các siêu thị còn đảm bảo lượng hàng dồi dào và không biến động về giá. Năm nay, các doanh nghiệp tập trung dự trữ các mặt hàng truyền thống ở trong nước, đảm bảo về chất lượng, mẫu mã và ổn định giá cả do trước đó, dự báo cho thấy, sức mua tháng Giáp Tết Nguyên đán có thể không tăng vì ảnh hưởng của Covid-19. Người dân sẽ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như lương thực thực phẩm và hàng hóa thiết yếu.
Thị trường Tết năm nay, hàng hóa phục vụ tập trung chủ yếu vào những mặt hàng thiết yếu như: Dầu ăn, nước mắm, đồ khô, thịt tươi sống gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến sẵn, trứng gia cầm, bánh mứt, kẹo, xăng dầu… Cho đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đều cam kết sẽ cung ứng đủ hàng hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, sẽ không để xảy ra việc thiếu hàng hay gián đoạn nguồn cung.
Tổng hàng hóa phục vụ người dân Hà Nội tăng gấp 3 lần kế hoạch dự kiến
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tổng giá trị hàng hóa phục vụ người dân Thủ đô mua sắm Tết tăng gần gấp 3 lần kế hoạch dự kiến ban đầu, ở mức 18.000 tỷ đồng. Trong đó, TP.Hà Nội chủ động có phương án về việc đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán. Trong đó có 123 siêu thị, 6.800 cửa hàng tiện lợi, 13.000 cửa hàng chuyên doanh, 1.900 điểm bán hàng tại các chợ truyền thống và 500 bếp ăn tập thể.
Ngoài các thực phẩm thiết yếu như các loại thịt bò – gà – lợn – thủy sản…, các loại rau trái, trong nhóm các hàng hóa bảo đảm cung cầu dịp Tết còn có những mặt hàng người dân có nhu cầu cao như đồ khô, bánh mứt, nước uống, nước giải khát, đồ điện máy, may mặc, xăng dầu. Đặc biệt, trong danh sách chuẩn bị về nguồn cung còn có nhóm hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Trước đó, trong kế hoạch triển khai bán hàng Tết 2022, Sở Công Thương Hà Nội đã nghị các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ bố trí thêm lực lượng nhân viên phục vụ, mở thêm quầy thanh toán, mở rộng các hình thức thanh toán trực tuyến (QR code, thẻ thanh toán, ví điện tử…), bố trí nhân viên phân luồng khách đến mua hàng, thanh toán để phục vụ nhân dân nhanh chóng, đồng thời hạn chế lây nhiễm dịch tại điểm bán để bảo đảm công tác phòng chống dịch.
Xem thêm: Hà Nội: Chuẩn bị hàng hóa Tết đáp ứng nhu cầu khoảng 10,33 triệu người
Cát Anh (T/h)