Sóng giá đất khu vực Hoàn Kiếm ăn theo quy hoạch cầu Trần Hưng Đạo

Vimoney-gia-dat-quanh-du-an-cau-tra-hung-dao (5).jpg

Mặc dù dự án cầu Trần Hưng Đạo còn nằm trên giấy, chưa được phê duyệt nhưng các dữ liệu cho thấy, Hà Nội xác định cây cầu là hướng kết nối trọng điểm nhằm phát triển đô thị về phía Bắc sông Hồng. Ngay từ lúc thông tin bắt đầu “rò rỉ” thì các nhà đầu tư, cò đất đã đẩy “sóng” giá đất ở quanh khu vực dự án lên cao.

Sóng giá đất có dấu hiệu tăng cao

Dự án cầu Trần Hưng Đạo có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5km, đi qua địa bàn các quận: Hoàn Kiếm (phường Phan Chu Trinh, Chương Dương Độ); Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng) và Long Biên (phường Long Biên, Bồ Đề, Gia Thụy). Điểm đầu Dự án là ngã 5 Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh quận Hoàn Kiếm.

Điểm cuối dự án tại khu vực giao cắt với quốc lộ 5A (đường Nguyễn Văn Linh), thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.938 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 50%, vốn nhà đầu tư BOT chiếm 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2025. 

Việc tăng tính kết nối, nâng cấp hệ thống giao thông được kỳ vọng sẽ mở thêm hướng phát triển các đô thị vùng ven, thu hút người dân về sinh sống, góp phần thúc đẩy mục tiêu giãn dân khu vực nội đô Hà Nội. 

Theo ghi nhận tại khu vực Hồng Tiến, Cổ Linh, (quận Long Biên)…, việc rao bán nhà đất tại đây luôn gắn với cầu Trần Hưng Đạo. Một mảnh đất trên đường Hồng Tiến (phường Bồ Đề) rộng 79m2 được chủ nhà rao với giá gần 8 tỉ đồng. Theo lời rao bán của ông chủ này, thời gian gần đây giá đất đang tăng và sẽ tăng cao nữa.

“Khi cầu Trần Hưng Đạo được hoàn thiện thì rất thuận lợi về mặt giao thông. Giá đất ở đây không chỉ dừng lại như vậy. Nếu có tiền thì cứ mua và để đấy thì chắc chắn lãi chứ không bao giờ lỗ được”, vị này nhấn mạnh.

Cũng trên mặt đường Hồng Tiến, căn nhà 90m2, 5 tầng, có thể cho thuê văn phòng, trụ sở công ty được chào bán với giá hơn 16 tỉ đồng (180 triệu đồng/m2). Khi PV tỏ ra lăn tăn vì giá đắt thì được vị chủ nhà này trấn an với “mác” cầu Trần Hưng Đạo mà xây xong thì còn cao nữa. Cũng theo vị này, nhà làm để ở nên nội thất và mọi thứ đều tốt.

Trong vai người đi mua nhà, PV tìm đến một căn nhà 52m2, 4 tầng, mặt đường Cổ Linh được giới thiệu ôtô vào tận nhà, thanh khoản tốt và đặc biệt chỉ mất khoảng 5-10 phút ra tới cầu Trần Hưng Đạo được chào bán với giá hơn 8 tỉ đồng (153 triệu đồng/m2).

Sóng giá đất

Cách đó không xa, căn nhà 5 tầng tại Phố Trạm, diện tích 56m2, lô góc 2 mặt thoáng (gần đường Cổ Linh, Aeon Long Biên) đang chào bán 3.85 tỉ đồng (68 triệu/m2)…

Tìm hiểu của PV cho thấy, lượng đăng tải thông tin và rao bán đều được gắn mác với cầu Trần Hưng Đạo sắp được xây dựng nên giá được đẩy cao hơn hẳn. Với thực tế, ở những khu vực này giá đã cao sẵn nên nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo là người mua, nhà đầu tư cần phải cân nhắc kỹ.

Phải có tầm nhìn dài hạn

Báo cáo của tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm của Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng chỉ ra Long Biên và Gia Lâm góp mặt trong những khu vực có mức tăng giá mạnh nhất Hà Nội trong giai đoạn sốt đất đầu năm, tại phân khúc đất nền dự án và chung cư thị trường thứ cấp. 

Đối chiếu của PV cho thấy, với mức bán 80-120 triệu/m2, giá bất động sản phía Đông Hà Nội đang ngang ngửa, thậm chí cao hơn đất phía Tây như: Hoài Đức, Hà Đông, Nam Từ Liêm. Dù vậy, các chuyên gia bất động sản nhận định giá vẫn còn tăng nữa.

Nói với Lao Động, ông Đặng Thanh Tùng – Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Địa Ốc Nam Việt cho biết, hạ tầng hoàn thiện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá bất động sản.

Ví dụ như thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, những năm 2017-2018 chỉ loanh quanh khoảng 20-40 triệu/m2, thì nay, nhiều khu đô thị mới “mọc” lên, kéo theo hạ tầng đồng bộ, giá bất động sản trong vùng tăng lên 80-90 thậm chí 100 triệu đồng.

Hay như khu vực Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, năm 2014-2017, giá bất động sản không tăng, thậm chí giảm đến 10 triệu/m2. Nhưng nay, khi hạ tầng đồng bộ, nhiều khu dân cư hiện đại được đầu tư, giá bất động sản tăng lên 60-70 triệu/m2.

Cùng quan điểm, theo ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, Hà Nội đang hoàn chỉnh hệ thống giao thông rất tốt đặc biệt là các tuyến trục chính xung quanh Thủ đô. Đây là cơ hội rất lớn cho khu vực phía Đông, kết nối tới các dự án lớn ở Gia Lâm, Đông Anh.

Với lợi thế đấu nối thẳng vào khu vực phố cổ Hà Nội, cây cầu Trần Hưng Đạo có ý nghĩa rất lớn trong an sinh xã hội, việc giãn dân khu vực phố cổ cũng không phải là khó.

Chuyên gia bất động sản Nguyễn Đức Hùng nhấn mạnh, nhờ vào sự phát triển của hạ tầng thì tăng giá là điều không mấy ngạc nhiên. Tuy nhiên, dù đầu tư để sử dụng hay chờ sinh lời bán sang tay thì người mua cũng phải tìm hiểu kỹ về quy hoạch khu vực và năng lực của chủ đầu tư.

Theo ông Hùng, để cầu Trần Hưng Đạo và các dự án hạ tầng khác được thi công hoàn thành thì cần nhiều năm nữa. Do vậy, các nhà đầu tư định rót vốn vào khu vực này cần có tầm nhìn dài hạn.

Theo Báo Lao Động

Exit mobile version