Hàng ngàn người đã xếp hàng để mua khí đốt và xăng dầu tại thủ đô thương mại tại Sri Lanka trong khi Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực khi quốc đảo này phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế tàn khốc.
Hàng dài người dân tập trung ở nhiều khu vực trên khắp thủ đô Colombo, Sri Lanka, để mua xăng và khí đốt dự trữ, phần lớn mặt này này được nhập khẩu và nguồn cung đang cực kỳ khan hiếm do chính phủ cạn kiệt ngoại hối.
Mohammad Shazly, một tài xế bán thời gian xếp hàng trong ngày thứ ba với hy vọng mua được khí đốt cho gia đình 5 người, cho biết: “Chỉ có khoảng 200 bình được cung cấp dù có khoảng 500 người đứng đợi. Hàng trăm người khác đang xếp hàng, với những chiếc bình rỗng bên cạnh.”
“Không có khí đốt, không có dầu hỏa, chúng tôi không thể làm gì được. Lựa chọn cuối cùng là gì? Không có thức ăn, chúng tôi sẽ chết đói. Điều đó chắc chắn sẽ xảy ra.”
Sri Lanka, quốc đảo phụ thuộc vào du lịch, đang đối mặt với tình trạng thiếu ngoại hối, nhiên liệu và thuốc men nghiêm trọng, và hoạt động kinh tế đã chậm lại. Phương tiện giao thông công cộng đã cạn kiệt nguyên liệu và giao thông thưa thớt vì hầu hết mọi người đang ở nhà vì sự khan hiếm xăng dầu.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe hôm 20/5 cũng cảnh báo về tình trạng khan hiếm lương thực tại quốc đảo này, và cam kết nhập khẩu đủ phân bón cho vụ gieo trồng tiếp theo để tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu lương thực của 22 triệu dân.
Quyết định cấm tất cả các loại phân bón hóa học của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa vào tháng 4 năm ngoái đã cắt giảm đáng kể năng suất cây trồng. Mặc dù chính phủ đã dỡ bỏ lệnh cấm nhưng nhưng hoạt động nhập khẩu phân bón vẫn chưa khởi sắc trở lại.
Nhật Bản, quốc gia có quan hệ kinh tế lâu đời với Sri Lanka, cho biết họ sẽ cung cấp khoản tài trợ khẩn cấp 3 triệu USD cho thuốc men và thực phẩm. Chủ tịch công ty phân phối khí đốt của Sri Lanka Litro Gas cho biết công ty này dự kiến bắt đầu phân phối 80.000 bình mỗi ngày từ 21/5, để lấp đầy khoảng 3,5 triệu bình bị thiếu hụt trên thị trường. Giá cả của khí đốt phục vụ nấu nướng và của thực phẩm cũng như các như yếu phẩm khác đã tăng lên. Giá của một bình gas nấu ăn 12,5 kg đã tăng vọt lên gần 5.000 rupee (14 USD) từ mức 2.675 rupee vào tháng 4.
Người dân lo sợ không còn đường sống
Một phụ nữ tên A.P.D. Sumanavathi, 60 tuổi, bán trái cây và rau củ trong chợ Pettah ở thủ đô Colombo, cũng cho biết: “Tôi không thể đoán trước mọi thứ sẽ như thế nào trong hai tháng tới. Với tốc độ (suy thoái) này, có khi chúng tôi sẽ chẳng còn có mặt ở đây nữa”.
Ngày 19/5, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Skri Lanka Nandalal Weerasinghe cho biết quốc gia này sẽ phải đối mặt với lạm phát tăng lên 40% trong những tháng tới. Lạm phát đạt 29,8% trong tháng 4 với giá thực phẩm tăng 46,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khi sự giận dữ lên tới cực điểm, người dân đứng lên biểu tình và yêu cầu Tổng thống và Thủ tướng từ chức. Các cuộc đụng độ vũ lực giữa người dân và cảnh sát tăng mạnh.