Tại sao lạm phát của Mỹ cao kỷ lục nhưng cổ phiếu công nghệ lại tăng?

Do sự gia tăng lạm phát gần đây, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã giảm mạnh, khiến các nhà đầu tư chuyển sang các tài sản có rủi ro cao nhưng lợi suất cao như thị trường chứng khoán, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ.

Lợi suất trái phiếu gây thất vọng, cổ phiếu tăng mạnh

Lợi suất thực tế của trái phiếu chính phủ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (TIPS) 10 năm của Mỹ giảm mạnh

Dữ liệu từ nền tảng giao dịch phái sinh Tradeweb cho thấy vào ngày 10/11, lợi suất thực tế của trái phiếu chính phủ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (TIPS) 10 năm của Mỹ đã giảm xuống -1,2%, mức thấp nhất kể từ năm 2003. Về cơ bản, lợi suất thực âm có nghĩa là sức mua của tiền đầu tư sẽ giảm trong suốt vòng đời của trái phiếu.

Sự sụt giảm của lợi suất thực tế là kết quả do nhiều yếu tố kết hợp. Vào tháng 10 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng hàng năm lớn nhất trong 31 năm. Ngoài ra, do ngân hàng trung ương trì hoãn tăng lãi suất, lợi suất trái phiếu danh nghĩa đã tăng chậm lại. Mặc dù Bộ Tài chính Mỹ đã lên kế hoạch tăng nguồn cung TIPS vào đầu tháng 11, nhưng tốc độ tăng của lợi suất trái phiếu danh nghĩa đã giảm, khiến lợi suất thực tế giảm nghiêm trọng.

Lorenzo Di Mattia, giám đốc đầu tư của quỹ đầu cơ Sibilla Capital, cho biết “Lợi suất thực tế càng thấp thì càng khuyến khích đầu cơ”. Khi tiền mặt trượt giá do lạm phát, các nhà đầu tư càng sẵn sàng đầu tư nhiều hơn nữa để tiền đẻ ra tiền.

Ví dụ, Rivian, một công ty khởi nghiệp ô tô điện có giá cổ phiếu tăng chóng mặt gần đây, đã đóng cửa tăng 29% vào ngày 10/11. Mặc dù Rivian mới bắt đầu giao xe vào tháng 9, nhưng giá cổ phiếu của công ty này đã tăng trong hai ngày liên tiếp, đưa giá trị thị trường của công ty lên 101 tỷ USD, cao hơn giá trị thị trường của cổ đông chính Ford Motor Company (78,9 tỷ USD).

Shaniel Ramjee, một nhà quản lý quỹ đa tài sản tại Pictet Asset Management ở Thụy Sĩ, cho biết: “Lợi suất thực tế càng giảm, các nhà đầu tư càng chấp nhận rủi ro.” Ông nói rằng khi lạm phát làm xói mòn danh mục đầu tư, các nhà đầu tư sẽ thích đặt cược vào các khoản đầu tư có rủi ro cao hơn và có khả năng sinh lời cao hơn để cố gắng bù đắp tác động này.

“Tôi nghĩ rằng đây là yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng gần đây.”

Theo Wall Street Journal, Ramjee đã nắm bắt được những cổ phiếu tăng trưởng như các công ty công nghệ xanh, và chọn tăng lượng cổ phiếu nắm giữ ở các công ty nhỏ và chấp nhận rủi ro hơn.

Với lợi suất thực tế giảm, cổ phiếu công nghệ được hưởng lợi nhiều nhất. Theo dữ liệu từ nhà cung cấp dữ liệu Factset, chỉ số tổng hợp Nasdaq với phần lớn là cổ phiếu công nghệ, đã tăng khoảng 10% trong tháng qua, cao gấp đôi so với mức trung bình công nghiệp Dow Jones, vốn có trọng số cao hơn ở các công ty tài chính và công nghiệp lớn lâu đời.

Mức tăng trưởng của 3 chỉ số lớn trong những tháng gần đây.

Lạm phát có phải là tạm thời không?

Trong những tháng gần đây, mối lo ngại lớn nhất của thị trường là lạm phát. Đồng thời, các nhà phân tích đang nghiên cứu xem liệu sự hỗn loạn của chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động do đại dịch gây ra có tồn tại trong thời gian ngắn hay không.

Đáp lại, các ngân hàng trung ương ở thị trường phát triển tiếp tục khẳng định rằng lạm phát chỉ là tạm thời. Trong những tuần gần đây, các quan chức từ Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã bác bỏ kỳ vọng của thị trường về việc tăng lãi suất. Vào đầu tháng 11, Powell nói rằng nguy cơ lạm phát hiện tại ở Mỹ đang tăng lên, nhưng ông vẫn cho rằng lạm phát của Mỹ có thể giảm trong quý II và quý III năm sau, và chưa đến lúc phải tăng lãi suất.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde hồi đầu tháng cũng cho biết khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất trong năm tới là rất nhỏ. Điều đáng nói là vào cuối tháng trước, lợi suất thực tế kỳ hạn 10 năm của Đức giảm xuống -2%, gần với mức thấp nhất trong kỷ lục.

Exit mobile version