Sau khi ông chủ Tân Hiệp Phát cùng 2 ái nữ bị bắt, những câu chuyện xung quanh cơ nghiệp, tài sản của gia đình ông được dư luận quan tâm rất nhiều.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vào chiều 10/4 đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Quí Thanh cùng 2 con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích, thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát.
Các cá nhân này trước đó bị tố cáo Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế, Cưỡng đoạt tài sản là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP.HCM từ tháng 11/2020.
Ông Trần Quí Thanh cùng 2 ái nữ bị cơ quan công an ra quyết định khởi tố.
Tân Hiệp Phát – Tập đoàn được định giá tỷ USD
Trên thị trường nước giải khát, Tân Hiệp Phát là một cái tên đình đám với các sản phẩm chủ lực như nước tăng lực Number One, Trà thanh nhiệt Dr Thanh, Trà xanh không độ, sữa đậu nành Soya…
Thành lập từ năm 1994, từ một cơ sở sản xuất nước ngọt thủ công, ông Trần Quí Thanh đã phát triển Tân Hiệp Phát trở thành một tập đoàn nước giải khát hàng đầu Việt Nam. Coca Cola từng định giá doanh nghiệp này lên 2,5 tỷ USD vào năm 2012 nếu đồng ý chuyển nhượng.
Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương đưa số liệu cho thấy, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát thành lập chính thức vào ngày 27/10/1997 và đã có 43 lần thay đổi đăng ký kinh doanh. Thời điểm thay đổi gần nhất là vào 10/10/2022.
Trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), tập đoàn này được xếp vào nhóm thương hiệu hàng đầu. Bảng xếp hạng VNR500 cho thấy, mỗi năm, doanh thu của tập đoàn đạt hàng nghìn tỷ đồng. Kỳ vọng của lãnh đạo tập đoàn này là năm 2023 sẽ sản xuất hơn 3 tỷ lít đồ uống/năm, doanh số là 1 tỷ USD.
Với việc sản phẩm có mặt ở 63 tỉnh thành, công ty vẫn tập trung cho thị trường chủ lực trong nước. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của Tân Hiệp Phát đang vươn tới 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật, Canada, Australia, Hà Lan, Singapore, Hàn Quốc…
Đơn vị chính của tập đoàn là công ty mẹ Tân Hiệp Phát tại Bình Dương, Number One Hà Nam, Number One Chu Lai và nhà máy mới Number One Hậu Giang cùng với các hệ sinh thái xoay quanh.
Cơ cấu cổ đông của Tân Hiệp Phát
Ông Trần Quí Thanh đang làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Tân Hiệp Phát. Công ty này có vốn điều lệ 276 tỷ đồng. Trong đó cổ đông lớn nhất là bà Phạm Thị Nụ (vợ ông Thanh) với số tiền góp là 150,4 tỷ đồng, chiếm 54,493% vốn điều lệ.
Hai con gái là Trần Uyên Phương góp 81,1 tỷ đồng (chiếm 29,384%) và bà Trần Ngọc Bích góp 44,5 tỷ đồng (chiếm 16,123%).
Nhờ vào việc kinh doanh hiệu quả, đem về một lượng tiền lớn mà Tân Hiệp Phát đã mở rộng hệ sinh thái sang nhiều lĩnh vực, có thể kể đến như truyền thông, công nghệ, mua bán nợ, cả bất động sản.
Tân Hiệp Phát có khối tài sản khủng như thế nào?
Một số giao dịch đảm bảo và số dư khủng ở các tài khoản tiền gửi tiết kiệm là minh chứng rõ ràng nhất về độ giàu có của Tân Hiệp Phát.
Chỉ tính riêng trong vụ án liên quan đến Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng, ông Trần Quí Thanh và những người liên quan được chỉ ra là có những khoản tiền gửi tiết kiệm trị giá tới gần 6.000 tỷ đồng.
Hay số liệu từ Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư Pháp) cho thấy, năm 2013, Tân Hiệp Phát từng đăng ký giao dịch bảo đảm với Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (nay đã sáp nhập vào MSB), tài sản bảo đảm là cuốn sổ tiết kiệm trị giá hơn 7,2 triệu USD.
Hay ngày 3/2 vừa qua, bà Trần Uyên Phương mang cuốn sổ tiết kiệm 300 tỷ đồng làm tài sản đảm bảo tại BIDV chi nhánh Nam Bình Dương. Chưa dừng lại, ngày 17/2, bà Phương tiếp tục đăng ký giao dịch bảo đảm với ngân hàng trên cho 3 thẻ tiết kiệm với tổng mệnh giá 519 tỷ đồng.
Thêm nữa, ngày 30/3, vợ ông chủ Tân Hiệp Phát là bà Phạm Thị Nụ đăng ký giao dịch bảo đảm với BIDV chi nhánh Nam Bình Dương. Trong đó, loạt tài sản bảo đảm là 4 thẻ tiết kiệm với tổng mệnh giá 819 tỷ đồng được phát hành bởi PVCombank và 3 thẻ tiết kiệm có tổng mệnh giá 550 tỷ đồng tại ABBank.
Đầu tháng 4/2023, bà Nụ sử dụng 3 thẻ tiết kiệm trị giá 330 tỷ đồng được phát hành tại HDBank, có thời điểm đáo hạn đến tháng 3/2024 để tiếp tục ký các hợp đồng đảm bảo cho ngân hàng.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi Nhánh Nam Bình Dương là bên nhận đảm bảo cho các thẻ tiết kiệm của bà Phương và bà Nụ.
Tài sản của Tân Hiệp Phát còn được thể hiện ở việc, tập đoàn này bất ngờ thành lập một loạt các công ty bất động sản vào năm 2019, tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến gần 19.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó chúng nhanh chóng bị giải thể.
Để tham gia đấu giá các khu đất lớn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bà Trần Ngọc Bích đã chi cả trăm tỷ đồng. Trong khi đó, ông Trần Quí Thanh cũng từng xuất hiện tại buổi đấu giá 4 lô “đất vàng” của Thủ Thiêm (TP. HCM) gây xôn xao dư luận nhưng không trúng đấu giá.
Chưa kể, Tân Hiệp Phát còn sở hữu 2 lô “đất vàng” nằm gần cầu sông Hàn, được dự kiến sẽ triển khai dự án Suntory Bay, tổng vốn lên tới 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tân Hiệp Phát bị cơ quan chức năng “gọi tên” vào tháng 3/2022 do vi phạm về việc quá thời hạn nhưng chưa đưa đất vào sử dụng.
Gia đình ông Trần Quí Thanh ngoài ra còn sở hữu nhiều lô đất tại TP.HCM và Đồng Nai. Thế nhưng, những lô đất này đã vướng phải không ít tai tiếng.
Bà Trần Uyên Phương năm 2020 cũng từng đã chi khoảng 350 tỷ đồng để mua 22% cổ phần của Yeah1 Group. Rất nhiều kỳ vọng được đặt vào thương vụ này với mong muốn tận dụng hệ thống quảng cáo để thúc đẩy doanh số cho Tân Hiệp Phát, tuy nhiên do thành công nên bà Phương đã thoái vốn sau đó.