Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ 9 lô trái phiếu: Hướng xử lý đối với trái chủ

Tân Hoàng Minh muốn xin tại ngoại cho một số lãnh đạo cấp cao

Sau khi Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ 9 lô trái phiếu, người lo lắng nhất chính là các nhà đầu tư. Đối với trái chủ, có những hướng xử lý thế nào?

Từ quy định của pháp luật về trách nhiệm của tổ chức khi trái phiếu bị hủy bỏ

Theo VnEconomy, Luật Chứng khoán đưa ra quy định rất rõ trách nhiệm tổ chức phát hành trái phiếu khi bị huỷ bỏ. Điều 6, Nghị định 156/NĐ-CP cũng quy định rõ ràng rằng: “Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ có thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật.”

Về biện pháp khắc phục, tại điểm e quy định: “Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều này trong trường hợp đã chào bán, phát hành chứng khoán”.

Theo đó, thời hạn thu hồi chứng khoán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư là tối đa 60 ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực.

Đến câu chuyện của Tân Hoàng Minh

VnEconomy cho rằng, nhiệm vụ của nhà quản lý là bắt buộc Tân Hoàng Minh mua lại trái phiếu. Nhưng việc mua lại được hay không lại liên quan đến dòng tiền doanh nghiệp. Tân Hoàng Minh được cho là nhiều khả năng không thể lập tức mua cả 9 lô trái phiếu bị huỷ. Nguyên nhân bởi tiền đã được đẩy vào dự án. Vì thế, có 2 trường hợp có thể xảy ra.

Trường hợp thứ nhất là doanh nghiệp chấp nhận phá sản. Nếu tình huống này xảy ra, doanh nghiệp sẽ trả nợ theo thứ tự ưu tiên. Trong đó, ưu tiên đầu tiên là thuế, lương cho người lao động, thanh toán cho nhà cung cấp (điện, nước, nguyên vật liệu…), các khoản nợ ngân hàng. Các khoản nợ từ trái phiếu thứ tự ưu tiên ở gần cuối.

Chuyên gia nhận định, nếu xảy ra trường hợp thứ nhất thì sẽ vô cùng phức tạp. Khoản tiền hơn 10.000 tỷ đồng không nhỏ, hình thành từ nguồn vốn của cả nghìn nhà đầu tư. Khi rơi vào tình huống này, họ có thể rút các khoản đầu tư tương tự. Đây là điều bất lợi vì quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 15% GDP. Trong khi đó, kinh tế đang bước đầu hồi phục sau dịch bệnh.

Trường hợp thứ hai là doanh nghiệp sẽ tìm cách chuyển nhượng dự án. Nói cách khách, Tân Hoàng Minh chấp nhận bị mua bán, sáp nhập các dự án.

Vị chuyên gia nghiêng về khả năng nhà điều hành sẽ hỗ trợ thủ tục pháp lý cho các dự án chuyển nhượng. Nếu vậy, quyền lợi của các nhà đầu tư sẽ được đảm bảo. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vì thế cũng không bị tổn thương.

Đánh giá về vụ việc của Tân Hoàng Minh, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng nói trên vneconomy rằng, nó chắc chắn ảnh hưởng tới các công ty liên quan đến tập đoàn này. Thậm chí, nó còn sẽ ảnh hưởng tới cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Một vụ việc cụ thể được cho là lời cảnh báo hiệu quả nhất đối với những nhà đầu tư. Một vị chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư cần quan tâm, đánh giá rủi ro và tránh mua vì lãi suất cao hay lời chào mời để tránh trường hợp mất cả gốc lẫn lãi, nhất là các nhà đầu tư cá nhân.

Ông cũng khuyên, trái phiếu phát hành riêng lẻ cần được tư vấn đầu tư hoặc ủy thác cho công ty quản lý quỹ.

Exit mobile version