Tân Hoàng Minh và cuộc chơi lớn tại Phú Quốc

Trong những ngày cuối cùng năm 2021 vừa qua, sự kiện Tập đoàn Tân Hoàng Minh khởi công siêu dự án tỷ USD – Tổ hợp quần thể du lịch tại Đảo Ngọc Phú Quốc đã gây “bão”  thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bởi quy mô và kỳ vọng mang đến một quần thể du lịch nghỉ dưỡng “bom tấn” cho ngành du lịch Việt Nam và tham vọng trở thành điểm đến của du lịch thế giới trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 căng thẳng kéo dài.

Tân Hoàng Minh và bước chân đầu tiên vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Dự án của Tân Hoàng Minh tại Phú Quốc đánh dấu bước chân đầu tiên của tập đoàn này vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khi trước đó, ông Dũng khá “bảo thủ” với quan điểm chỉ tập trung đầu tư những dự án bất động sản ở trung tâm Hà Nội và TP. HCM. Theo quan niệm của ông, những bất động sản ở các vị trí đắc địa này sẽ luôn có nhu cầu cao, không chỉ giữ giá mà còn gia tăng giá trị theo thời gian, bất chấp nền kinh tế có thể rơi vào khủng hoảng.

Quả thật ông Dũng đã rất thành công với chiến lược của mình khi các dự án căn hộ cao cấp và hạng sang như D’. Le Pont D’Or, D’. Le Roi Soleil, D’. El Dorado I & II và D’. Capitale đã chào bán rất thành công. Tập đoàn cũng đang tiếp tục triển khai các dự án khác ở các quận trung tâm Hà Nội. Nhưng có lẽ, với phương châm “Đam mê và Hoàn Hảo”, Tân Hoàng Minh cũng cần phải mở rộng địa bàn đầu tư để có thể “tăng tốc” khi các đối thủ trong ngành đang không ngừng lớn mạnh.

Và khi phương châm mới là “hiệu quả, bền vững và tiến độ” được áp dụng với dự án D’. Capitale, các dự án nội đô với đất đai khan hiếm và thủ tục đầu tư – xây dựng phức tạp, kéo dài và tốn chi phí, sẽ cản trở đà tiến bước của Tân Hoàng Minh, điển hình như Dự án Nam Đại Cồ Việt và khu đô thị Tân Hoàng Mai đã xúc tiến đầu tư nhiều năm những chưa thể khởi công.

Tân Hoàng Minh đã bất ngờ xuất hiện ở những tỉnh thành xa xôi hơn như Thái Nguyên, Daklak, Hòa Bình, Hà Tĩnh để tìm hiểu cơ hội đầu tư, từ những dự án nhà ở cho đến dự án du lịch nghỉ dưỡng và khu công nghiệp, trong đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được xem như mũi nhọn chiến lược thứ hai của Tập đoàn, khởi đầu với dự án làng nghỉ dưỡng phong cách Thụy Sỹ ở lòng hồ thủy điện Hòa Bình, và tổ hợp Tân Hoàng Minh Phú Quốc.

Với tổng vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD, tổ hợp Tân Hoàng Minh Phú Quốc là một trong những dự án đầu tư lớn nhất trên đảo. Tập đoàn tham vọng xây dựng 15 tòa tháp bao gồm 7.000-8.000 căn hộ du lịch, 76 biệt thự nghỉ dưỡng và 129 nhà phố thương mại trên khu đất có diện tích 34 ha tại phía nam Bãi Trường trong vòng 3 năm tới.

Phối cảnh tổng thể Tổ hợp quần thể du lịch Phú Quốc Tân Hoàng Minh.

Tham vọng đưa Phú Quốc trở thành điểm đến của du lịch thế giới

Việc Tân Hoàng Minh tiến được vào Phú Quốc có thể xem là một mối “lương duyên”. Các doanh nghiệp đến trước đều đã giữ những vị trí đẹp nhất có thể phát triển được dự án quy mô tầm cỡ trên hòn đảo, trong khi đó việc mua lại dự án ở Phú Quốc cũng không hề dễ dàng trong những năm gần đây, đặc biệt là trước thời điểm xảy ra Covid-19,  du lịch bùng nổ, bất động sản nghỉ dưỡng lên cơn sốt.

Việc Tân Hoàng Minh bước chân đến Phú Quốc chính là “duyên” và nếu dịch Covid-19 không xảy ra thì ông cũng khó có được “mối duyên” này.  Do chủ đầu tư cũ của dự án gặp khó khăn về tài chính nên buộc phải chào bán để thu hồi vốn và ông Dũng đã nắm bắt ngay cơ hội này mặc dù nhiều người có thể coi là thời điểm “ngược sóng” khi rủi ro đại dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu.

Bên cạnh đó, với Phú Quốc, Tân Hoàng Minh vẫn chỉ là “người đến sau”. Phía Bắc đảo là Vingroup, phía Nam đảo là Sungroup còn trung tâm đảo – khu vực Bãi Trường – từ lâu đã bao phủ bởi CEO Group, BIM Group và Milton. Tân Hoàng Minh sẽ phải cạnh tranh quyết liệt để chào bán bất động sản cũng  như thu hút du khách.

Mặc dù vậy, ông Dũng vẫn tự tin triển khai dự án và kỳ vọng sẽ có thể cắt băng khánh thành sau 4 hoặc thậm chí chỉ 3 năm. Theo ông, quần thể này sẽ được đầu tư đồng bộ, công phu và sẽ mang một “tinh thần” rất khác biệt – sẽ tạo ra một “thành phố không ngủ” vô cùng sôi động và náo nhiệt.

Ông Dũng rất tự tin rằng dư địa để đầu tư vào Phú Quốc vẫn còn rất lớn. Với bãi biển đẹp như mơ và không có bão, vị trí địa lý thuận lợi cho các chuyến bay, Phú Quốc không chỉ có cơ hội trở thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam mà còn là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á và cả thế giới.

Đọc thêm: Đâu là sức mạnh tài chính bí ẩn của Tân Hoàng Minh?

Đồng tình quan điểm này, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group cũng cho rằng Phú Quốc đang ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư, và sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn ở thời kỳ “hậu Covid-19” như Tân Hoàng Minh, Thaiholdings hay IPP sẽ giúp “nhanh chóng hiện thực hóa giấc mơ” đưa Phú Quốc thành trung tâm du lịch của thế giới.

Theo ông Bình, bên cạnh dự án của Tân Hoàng Minh, Thaiholdings mới đây đề xuất xây khu du lịch có cảng hàng không vũ trụ với tổng vốn đầu tư tới 30.000 tỷ đồng, hay tập đoàn IPP được chấp thuận đầu tư khu phi thuế quan có tổng vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, là những tín hiệu tích cực cho thấy thay vì dựa vào nguồn lực nước ngoài thì “chính nhà đầu tư Việt mới làm cho Phú Quốc vang danh toàn cầu như một trung tâm du lịch”.

Ông Bình kỳ vọng: “Phú Quốc là điểm đến điển hình cho một Việt Nam có tầm nhìn trở thành một cường quốc du lịch, không chỉ cạnh tranh với Thái Lan hay Malaysia, mà còn có thể cạnh tranh với vùng Địa Trung Hải hay Carribe”.

Có lẽ đây cũng chính là động lực của ông Dũng khi quyết định đầu tư một tổ hợp có kiến trúc độc đáo, đa dạng về dịch vụ và trải nghiệm để có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu của du khách. Ông Dũng cam kết sẽ mang đến cho đảo Ngọc “một kiệt tác xứng tầm, mang tính biểu tượng của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng biển”.

Exit mobile version