Kiến nghị tăng thời gian hưởng thai sản cho nam quân nhân

Kiến nghị tăng thời gian hưởng thai sản cho nam quân nhân

Theo kiến nghị của Bộ Quốc phòng, tăng nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với nam quân nhân khi vợ sinh con, nhiều hơn thời gian 30 ngày.

Lý do kiến nghị tăng thời gian hưởng thai sản cho nam quân nhân

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được tính trong 30 ngày đầu, tính từ khi vợ sinh con. Trong khi đó, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung quy định, nếu người đó nghỉ nhiều lần thì thời gian nghỉ của lần cuối cùng sẽ phải nằm trong khoảng 30 ngày từ lúc con chào đời.

Góp ý về dự thảo luật này, Bộ Quốc phòng đưa ra kiến nghị về việc nới thời gian tính từ lúc hưởng chế độ nhiều hơn 30 ngày, phù hợp đặc thù hoạt động của quân nhân. Bởi thực tế, nhiều người công tác ở biên giới, hải đảo, thường xuyên trực sẵn sàng chiến đấu, xa gia đình.

Những đề xuất khác về chế độ thai sản

Đối với riêng chính sách thai sản ở khu vực BHXH tự nguyện, các cơ quan, bộ ngành đã đề nghị ban soạn thảo xem lại tỷ lệ đóng Quỹ ốm đau và thai sản. Theo quy định tại Điều 38 dự thảo Luật sửa đổi, tỷ lệ đóng của người tham gia vào quỹ là 3% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Mỗi lần sinh con, lao động hưởng trợ cấp 2 triệu đồng trích từ ngân sách, không phải từ Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ Quốc phòng, quy định như dự thảo sẽ khiến người đóng BHXH tự nguyện chỉ được hưởng quyền lợi thai sản, không có chế độ ốm đau, mức hưởng cũng không tương đồng với BHXH bắt buộc.

Đề xuất của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là: Nếu trích đóng 3% vào Quỹ ốm đau và thai sản, dự luật cần bổ sung chế độ ốm đau với người đóng BHXH tự nguyện. Cùng với đó, cơ quan này cũng đề nghị thêm các quyền lợi khác như khám thai, dưỡng sức cho lao động đóng BHXH tự nguyện để phù hợp nguyên tắc đóng – hưởng, đảm bảo bình đẳng với khu vực BHXH bắt buộc.

Theo Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, đến cuối năm 2021, Quỹ ốm đau và thai sản kết dư hơn 19.700 tỷ đồng, cơ bản là tồn tích của những năm trước. Giai đoạn 2016-2021, số chi trong năm cơ bản bằng số thu. Với kết dư như hiện tại, cân đối tài chính quỹ chưa được đảm bảo.

Hiện có hai loại hình trong chính sách BHXH là bắt buộc và tự nguyện. Theo đó, BHXH bắt buộc dành cho khu vực có hợp đồng, giao kết mà người lao động lẫn chủ sử dụng phải tham gia. Người lao động sẽ được hưởng các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, thai sản, tai nạn ốm đau, bệnh nghề nghiệp.

Trong khi đó BHXH tự nguyện sẽ dành cho lao động trong độ tuổi ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ hay hợp đồng lao động. Đối với loại này, người lao động có thể lựa chọn mức đóng theo quy định, Nhà Nước sẽ hỗ trợ một phần tiền đóng nhưng chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.

Sau khi lấy ý kiến đến tháng 4, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến sẽ trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024.

Exit mobile version