Tăng tốc giải ngân đầu tư công, những nhóm ngành nào được hưởng lợi?

Tăng tốc giải ngân đầu tư công, những nhóm ngành nào được hưởng lợi? - Ảnh 1.

Năm 2023, các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu và tiêu dùng có thể chững lại khi kinh tế các nước đối tác suy thoái và tiêu dùng trong nước khó tăng mạnh như năm trước. Giải ngân đầu tư công được kỳ vọng trở thành trụ cột mới cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới nhờ tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Agribank đánh giá Chính phủ sẽ tăng tốc giải ngân đầu tư công trong năm 2023. Tổng mức vốn NSNN kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đã nâng lên 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 44% so với số thực hiện giai đoạn 2016-2020.

Với tốc độ giải ngân chậm năm 2021-2022, Agriseco cho rằng năm 2023 sẽ là năm bản lề các dự án đầu tư công được đẩy mạnh sau khi bị đình trệ bởi dịch Covid – 19, giá nguyên vật liệu tăng cao.

Trong năm 2023, Chính phủ nâng tổng vốn đầu tư công lên 700 nghìn tỷ đồng (tăng 25% so với kế hoạch 2022). Số vốn này đã bao gồm vốn cho các dự án trong Chương trình phục hồi và phát tiển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản giúp thúc đẩy đầu tư công và thành lập các tổ công tác để kiểm tra, đốc thúc giải ngân đầu tư công. Việc Quy hoạch phát triển vùng/địa phương đang được tích cực triển khai kỳ vọng sẽ là chất xúc tác mạnh để triển khai dự án mới.

Với kỳ vọng tiến độ giải ngân sẽ cải thiện mạnh mẽ trong các năm tới, Agriseco Research kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa đến nhiều nhóm ngành như vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp và logistics.

Nhóm vật liệu xây dựng (bao gồm thép, đá, xi măng, nhựa đường), được đội ngũ phân tích đánh giá được hưởng lợi lớn nhất từ “cú hích” đầu tư công. Nhóm này sẽ được hưởng lợi trực tiếp ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng, bước vào triển khai dự án cho đến khi hoàn thành hoạt động xây dựng dự án. Mặc dù vậy, đặc thù của từng ngành khiến mức độ hưởng lợi của các doanh nghiệp là khác nhau.

Với ngành thép, doanh nghiệp cung ứng thép xây dựng được hưởng lợi. Với các ngành mà chi phí vận chuyển tác động lớn đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp như xi măng và đá xây dựng, các doanh nghiệp có thị phần lớn và có vị trí gần các dự án đang triển khai sẽ được hưởng lợi tốt hơn phần còn lại của ngành.

Về mức độ cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp VLXD (thép, xi măng), biến động chi phí nguyên liệu đầu vào như giá than có thể ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Mặc dù vậy, sự kiện Trung Quốc mở cửa trở lại được dự báo sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực cho 1 vài nhóm ngành VLXD như thép và xi măng. Trong khi giá thép có thể sẽ dừng đà giàm và dần bước vào chu kỳ tăng giá trở lại, nhu cầu và điều kiện nhập khẩu của clinker của Trung Quốc được cải thiện sẽ làm giảm bớt áp lực dư cung của thị trường xi măng khu vực phía Bắc.

Nhóm xây dựng hạ tầng, công trình được kỳ vọng hưởng lợi trực tiếp khi các dự án đầu tư công trọng điểm đi vào triển khai. Một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm nhu cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 và 2, sân bay Long Thành được triển khai sẽ giúp các nhà thầu xây dựng (đặc biệt là những nhà thầu có kinh nghiệm thi công dự án).

Đối với nhóm logistics, đội ngũ phân tích dự báo nhóm này có thể hưởng lợi gián tiếp khi đầu tư công được thúc đẩy, cơ sở hạ tầng được cải thiện. Các tuyến cao tốc sau khi hoàn thiện sẽ khiến hoạt động logistics thuận lợi hơn nhiều, qua đó là chất xúc tác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Các đại dự án như Sân bay Long Thành cũng được kỳ vọng sẽ giúp nhóm vận tải hàng hóa, hàng khách khách được hưởng lợi từ gia tăng công suất khai thác.

Nhóm cổ phiếu BĐS dân dụng và BĐS KCN cũng được hưởng lợi gián tiếp từ khi quy hoạch của các dự án đầu tư công lớn được thông qua và hút dòng vốn FDI đầu tư vào khu công nghiệp. Tuy nhiên nhà đầu tư cũng nên thận trọng vì nhóm này vẫn tiềm ẩn một số rủi ro chưa được giải quyết.

Exit mobile version