Dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 3,5-4%

Mức tăng trưởng GDP này thấp hơn kế hoạch đặt ra từ đầu năm song để đạt được cũng còn nhiều thách thức. Đây là thông tin được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư công năm 2022 sáng 14/9.

Tăng trưởng GDP thấp do dịch bệnh

Năm ngoái GDP tăng trưởng 2,92%. Nếu GDP năm nay đạt 3,5-4% thì trong 2 năm liên tiếp, Việt Nam không hoàn thành kế hoạch tăng trưởng, không đạt được mục tiêu chung của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tăng trưởng sẽ thấp nhưng là khá ấn tượng trong bối cảnh thế giới hiện nay, ông Dũng nhận định.

Theo Bộ trưởng Bộ KH – ĐT, giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, tình hình lao động – việc làm. Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ cho công tác chống dịch lớn, ảnh hưởng đến thu – chi ngân sách. Dịch cũng ảnh hưởng đến tình hình thành lập doanh nghiệp, thu hút FDI. Đây là các yếu tố tác động đến tăng trưởng GDP năm nay.

Nói về năm 2022, Bộ trưởng Dũng cho biết đây sẽ là thời điểm có nhiều yếu tố mới, vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Khả năng dịch bệnh còn kéo dài, phức tạp, khó lường, nhiều nước trên thế giới chấp nhận sống chung với dịch bệnh. Các cơ quan phân tích và dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 6-6,5%. Bộ đang nghiên cứu, xây dựng để chuẩn bị trình các cơ quan liên quan.

Vẫn phải bám sát kế hoạch dài hạn nhưng cũng phải kiểm soát dịch bệnh, không thể để dịch bùng phát mạnh trở lại. Cần cơ cấu lại nền kinh tế, để nâng cao sức chống chịu, tính tự chủ, thích ứng với mọi tình huống có thể xảy ra. Thế giới thay đổi rất nhanh, nếu không xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ và thích ứng thì chúng ta sẽ bị động bất ngờ, ông Dũng nhấn mạnh cùng với thông tin về việc đang xây dựng đề án một đề án xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Trong tháng 8/2021, Ngân hàng thế giới WB cũng đã đưa ra dự kiến tăng trưởng GDP Việt Nam khoảng 4,8%. “Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không? Điều đó còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch COVID-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vắc-xin, và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng, và để kích thích phục hồi,” theo lời ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. 

Tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi, ông Rahul Kitchlu nhận định.

Các địa phương không thể chỉ dựa vào 1-2 doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ KH – ĐT cho rằng các địa phương cần tận dụng, bắt kịp đà phục hồi của những nền kinh tế lớn, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam. Cơ cấu lại nhanh nền kinh tế, tiếp tục thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, thêm yếu tố đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Với một số địa phương tăng trưởng cao nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… Ông cho rằng không thể dựa vào 1-2 doanh nghiệp lớn, mà cần thận trọng về vấn đề này.

Các địa phương có thể duy trì các nhà đầu tư chiến lược, nhưng cũng phải đa dạng các lĩnh vực đầu tư và nhà đầu tư, không chỉ tập trung vào một nhà đầu tư, một ngành, một lĩnh vực riêng lẻ. Các ngành này dù là công nghệ cao nhưng giá trị gia tăng vẫn thấp, chủ yếu tận dụng giá rẻ và lợi thế so sánh của Việt Nam, chứ không nhiều dự án tạo ra giá trị gia tăng cao.

Ông cũng thông tin Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh trong lúc khó khăn của dịch bệnh như hiện nay, thái độ của chính quyền địa phương với doanh nghiệp là quan trọng quan trọng hơn cả những hỗ trợ nêu trên.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các địa phương đảm bảo tính thân thiện, đồng hành, sẵn tháo gỡ, lắng nghe doanh nghiệp, chứ không phải chỉ là những chỉ thị hành chính, nhũng nhiễu, gây khó khăn.

Xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp và xã hội là điều quan trọng nhất lúc này, nếu mất niềm tin thì không doanh nghiệp nào dám về địa làm ăn nữa. Đây chính là xúc tiến đầu tư tại chỗ, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Exit mobile version