Một kỷ lục mới trong ngành chip bán dẫn được thiết lập sau khi Tập đoàn thiết kế chip AMD hoàn thành thỏa thuận mua lại Xilinx với khoảng 50 tỷ USD.
Tập đoàn thiết kế chip AMD sáp nhập Xilinx
Không lâu sau kể từ khi Nvidia từ bỏ việc bỏ 40 tỷ USD để mua lại Arm từ SoftBank Group vì không được giới quản lý các quốc gia đồng ý, AMD đã hoàn thành thương vụ mua lại Xilinx khi được sự chấp thuận đầy đủ từ các giới chức có liên quan.
Chia sẻ trên Reuters về sự thâu tóm này, bà Lisa Su – CEO của AMD cho biết, AMD cùng Xilinx sẽ bổ trợ cho nhau. Công nghệ chip của AMD sẽ kết hợp với hệ thống trên chip và mạch tích hợp FPGA của Xilinx.
Sự bổ trợ trên chính là điều mà tập đoàn thiết kế chip AMD đã tập trung vào để thuyết phục sự chấp thuận của giới quản lý đối với thương vụ 50 tỷ USD này.
Trước sự bất thành trong thương vụ giữa Arm và Nvidia, ngoài việc thừa nhận rằng Arm là đối tác quan trọng đối với tập đoàn thiết kế chip AMD thì bà Su từ chối bình luận về bước đi tiếp theo của Arm.
Ban đầu, thương vụ giữa AMD và Xilinx trị giá 35 tỷ USD và được công bố vào hồi tháng 10/2020. Tuy nhiên, theo AMD, với việc cổ phiếu AMD tăng giá, giá trị thương hiệu cũng tăng chóng mặt và đạt mức kỷ lục theo định giá hiện tại.
Sau thương vụ sáp nhập này, CEO Lisa Su còn tiết lộ rằng, rất có khả năng AMD sẽ mở rộng thị phần ở những lĩnh vực đang là thế mạnh của Xilinx như hạ tầng mạng và AI.
Cụ thể bên cạnh các thị trường như 5G, ô tô, hàng không, quốc phòng và công nghiệp nói chung thì có thể mở rộng thị trường trung tâm dữ liệu. Không chỉ cần chip có năng lực tính toán cao, những thị trường này còn đang thiếu sự hiện diện đáng kể của AMD.
Đối thủ của AMD – Intel
Trong cuộc đối đầu với tập đoàn Intel, AMD đang dần trở nên quyết liệt hơn để giành thị phần chip cho các trung tâm dữ liệu. Khi mua lại Xilinx, AMD sẽ sở hữu hơn 15.000 kỹ sư. Chiến lược sản xuất chip chủ yếu của hãng này phụ thuộc vào TSMC. So với chiến lược tự sản xuất chip của Intel, cách tiếp cận linh hoạt hơn của AMD nhằm giành thị phần có vẻ có lợi hơn.
Theo phân tích thị trường của Gartner Inc., Intel là nhà sản xuất chất bán dẫn số 2 trên toàn cầu. Năm ngoái, doanh thu của Intel là 73,1 tỷ USD, xếp sau Samsung Electronics của Hàn Quốc với 76 tỷ USD.
Mới đây, dòng chip ASIC của Intel sẽ được bán ra thị trường. So với chip máy tính hiện nay, chip blockchain của Intel tiết kiệm điện hơn.
Theo thông tin từ Intel, chip blockchain của Intel chuyên dùng để đào Bitcoin và được bán vào cuối năm nay. Vị khách hàng đầu tiên là công ty Block Inc do nhà đồng sáng lập Twitter – Jack Dorsey làm CEO.
Tập đoàn Intel nghiên cứu và gia nhập thị trường tiền số bắt đầu từ năm 2018 sở hữu bằng sáng chế về việc khai thác hiệu quả tiền số và việc sử dụng thuật toán SHA-256. Hãng này còn có cổ phần trong sàn giao dịch Coinbase – sàn tiền điện tử được đánh giá là lớn nhất hiện nay.
Cát Anh (T/h)