Thị trường chứng khoán vừa có một phiên giải tỏa áp lực cần thiết sau chuỗi ngày giảm điểm kéo dài. VN-Index phát tín hiệu xác nhận mô hình 2 đáy phần nào trấn an tâm lý nhà đầu tư. Dù vậy, giao dịch lại không thật sự bùng nổ dù biên độ dao động của chỉ số nói chung và phần lớn các cổ phiếu đều tương đối lớn.
Không chỉ mang tính thời điểm mà thanh khoản thấp đã trở thành xu hướng. Giá trị giao dịch khớp lệnh đã liên tục giảm kể từ tháng 11/2021 từ mức bình quân 30.000 tỷ đồng/ngày xuống còn khoảng 20.700 tỷ đồng/ngày vào tháng 4/2022. So với tháng trước đó, giá trị giao dịch tháng 4 giảm gần 17%.
Mirae Asset đánh giá thanh khoản đang suy giảm đáng lo ngại, với giá trị giao dịch bình quân tuần cuối tháng 4 chạm mức thấp nhất trong vòng 12 tháng. Dù vậy, vẫn có những điểm sáng hút tiền như Phần mềm và dịch vu, Bán lẻ, Bảo hiểm với giá trị giao dịch tích cực. Ngược lại, thanh khoản các nhóm ngành như Dịch vụ tài chính, Ngân hàng, Bất động sản,… đang ở mức báo động khi liên tục suy giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 tuần.
Chứng khoán, Ngân hàng, Bất động sản giao dịch ảm đạm
Không bất ngờ khi cổ phiếu các nhóm ngành hút tiền như Phần mềm (FPT), Bán lẻ (MWG, PNJ, FRT, DGW), Bảo hiểm (BVH, PVI, MIG) lại có thể trụ vững qua “giông bão” dù ảnh hưởng là không thể tránh khỏi. Các cổ phiếu trên đều có giai đoạn đi ngược thị trường trong nửa đầu tháng 4 để leo lên lập đỉnh lịch sử mới.
Hiệu ứng bán lan bắt đầu ảnh hưởng từ nửa sau của tháng 4 nhưng các cổ phiếu FPT, MWG, PNJ, FRT, BVH, PVI, MIG vẫn có mức tăng trưởng vượt trội so với VN-Index từ đầu năm. DGW giảm nhẹ những vẫn khả quan hơn rất nhiều so với thị trường chung cũng như phần lớn các cổ phiếu nhóm ngành khác.
Cổ phiếu Phần mềm và dịch vụ, Bán lẻ, Bảo hiểm tăng trưởng ấn tượng
Chiều ngược lại, 3 nhóm ngành Chứng khoán, Ngân hàng và Bất động sản nổi tiếng với lượng cổ phiếu lưu hành thuộc loại lớn nhất sàn đương nhiên sẽ gặp khó trong bối cảnh thanh khoản hạn hẹp.
Thanh khoản thấp không chỉ ảnh hưởng đến diễn biến giá cổ phiếu mà còn tác động trực tiếp lên doanh thu hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán. Hoạt động cho vay margin cũng bị ảnh hưởng bởi quy mô giao dịch hạn chế. Ngoài ra, mảng tự doanh lại phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường trong đó thanh khoản là yếu tố có vai trò quan trọng.
Phần lớn cổ phiếu chứng khoán như SSI, VND, HCM, VCI, MBS, SHS, AGR, BSI, CTS, FTS, … đều đã giảm 30-50% từ đỉnh trong hơn 1 tháng vừa qua. Hầu hết các cổ phiếu này đều đã đánh mất thành quả tăng giá trong năm ngoái và đang trôi dần về vùng đáy 1 năm.
Trong khi đó, nhóm Bất động sản lại chịu ảnh hưởng bên ngoài đến từ nhiều chính sách mang như siết tín dụng, trái phiếu. Nhiều cổ phiếu như DIG, CEO, GEX, DXG, DPG, HDG, HDC,… đã bị “thổi bay” khoảng 30-50% thị giá so với thời điểm cuối tháng 3.
Nhóm Ngân hàng “trì” nhất trong 3 nhóm ngành cũng ghi nhận không ít cổ phiếu giảm trên 10% trong tháng 4. Với tỷ trọng lớn nhất thị trường, diễn biến không mấy khả quan của loạt cổ phiếu BID, CTG, TCB, SHB, MBB, TPB, EIB, STB, VIB,…. đã ảnh hưởng đáng kể đến VN-Index trong tháng giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.
Top ảnh hưởng đến VN-Index trong tháng 4 có nhiều cổ phiếu Ngân hàng, Bất động sản
https://cafef.vn/thanh-khoan-nhom-ngan-hang-chung-khoan-bds-xuong-thap-nhat-10-tuan-dong-tien-dang-dich-chuyen-toi-nhom-co-phieu-nao-20220511101925029.chn